Biến đổi khí hậu đã trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.
Sự thay đổi mới tác động lớn đến thương mại, đầu tư toàn cầu kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).
Hội thảo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050
Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Phát biểu tại Hội nghị Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững – Giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, tất cả những hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết đều bao gồm những nội dung liên quan tới phát triển bền vững.
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
Những quy định này bắt buộc tất cả các nước, từ chính quyền, doanh nghiệp đến từng người dân đều phải hướng tới mô hình chuyển đổi xanh và sống xanh. Trong thời gian qua ở châu Âu, tháng 1/2023 đã chính thức yêu cầu tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều phải có báo cáo phát triển bền vững ESG, có hiệu lực từ tháng 6/2024.
Nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo phát triển bền vững thì sẽ không có khả năng tiếp tục giao thương và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. Các nước phát triển là thị trường chính của Việt Nam, trong khi đó các công ty đa quốc gia và các nước phát triển sẵn sàng hi sinh thị phần 1% của Việt Nam để bảo vệ cái báo cáo phát triển bền vững của họ. Vì vậy các doanh nghiệp ở Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ phải làm quen dần với các báo cáo phát triển bền vững.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 06 đã có quy định hơn 1.900 doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải và hoàn thành trước tháng 3/2025. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10% doanh nghiệp sẵn sàng cho việc thực hiện báo cáo phát thải. Báo cáo phát thải này đã trở thành bắt buộc đối với các công ty niêm yết và đối với các công ty giao dịch thương mại và đầu tư với các công ty niêm yết.
Việc thực hiện công tác kiểm kê, báo cáo và xác nhận khí nhà kính đòi hỏi phải thực hiện ngay từ khi tiền dự án, triển khai dự án và kết thúc dự án. Quá trình này thường kéo dài ba năm, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa sẵn sàng thực hiện điều này.
Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thông tin với báo chí về các dự án, đề tài mà Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đang thực hiện và mục tiêu hướng tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các thành viên, hội viên của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Hoài Trung - Trưởng ban vận động Net To Zero 2050, cũng có bài tham luận về Thực hiện ESG hướng đến phát triển bền vững, để không bị chậm chân trong cuộc chơi NetZero, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhập cuộc và có những hành động thực tế. Tuy nhiên, phát triển bền vững không phải câu chuyện một sớm một chiều mà là chặng đường dài.
Để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần thực hiện theo từng lộ trình cụ thể. Phân tích xác định bối cảnh, đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp chuyển đổi phát triển bền vững, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng, mở rộng nhà sản xuất.
Ông Trần Minh Hoàng - Chuyên gia tài chính bền vững – Phòng định chế tài chính ngân hàng VP Bank cho hay: “Ngân hàng có những nguồn vốn, có những hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên việc hỗ trợ này phải được thẩm định và đánh giá một cách cụ thể và có quy định rõ ràng, các doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ sẽ phải đáp ứng những yêu cầu được đặt ra… Việc phát triển bền vững vừa đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo môi trường là vấn đề Việt Nam đã cam kết và bắt buộc phải làm".
Hội nghị là sự kiện kết nối các ngành, doanh nghiệp có nhận thức tốt hơn về xu hướng quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh, các quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính và các công nghệ, quy trình quản lý liên quan đến chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra những góc nhìn chuyên sâu nhằm phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính; Cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp.