Ấm no nhờ trồng rừng
Gia đình ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình (Yên Sơn) là một trong những hộ tiên phong trong phong trào trồng rừng của xã. Từ diện tích 7 ha rừng năm 2010, đến nay, ông Bình đã tích lũy, đầu tư hàng tỷ đồng để nhân rộng diện tích rừng lên 20 ha. Trung bình mỗi năm ông Bình có 3 ha rừng được khai thác, thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng. Cùng nguồn thu từ các loại cây trồng, vật nuôi khác, thu mua nông sản, gỗ rừng, dịch vụ vận tải, tổng nguồn thu nhập của gia đình ông ước trên 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Người dân xã Thái Bình (Yên Sơn) chăm sóc rừng.
Là hộ điển hình từ thoát nghèo và làm giàu từ rừng, gia đình ông Trần Kim Cương, thôn Đông Ninh, xã Đông Thọ (Sơn Dương) có 3,5 ha rừng đã cho khai thác, mỗi chu kỳ khai thác cho thu trên 200 triệu đồng/ha. Sau khi khai thác toàn bộ diện tích rừng đã được trồng mới bằng giống keo mô. Theo ông Cương, xác định trồng rừng là hướng phát triển kinh tế chính nên gia đình đã chú trọng khâu chăm sóc, đầu tư cho rừng, nhờ đó, sản lượng, năng suất gỗ rừng trồng mỗi chu kỳ khai thác đều tăng lên. Thu nhập từ bán gỗ rừng trồng đã giúp gia đình ông Cương thoát nghèo có của ăn của để, nuôi con cái học hành, xây được ngôi nhà ở mới khang trang.
Xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) có trên 3.000 ha rừng sản xuất, trong đó 1.800 ha được cấp chứng chỉ FSC. Từ nguồn gỗ rừng trồng, xã đã phát triển 4 xưởng chế biến gỗ dăm, ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Hàng năm, doanh thu từ rừng của xã đạt trên 20 tỷ đồng. Ở thôn Khuôn Thẳm còn rất nhiều hộ trồng rừng giỏi, như gia đình ông Tráng Xào Dùng có trên 33 ha, ông Sùng Thèn Giáo trên 20 ha, ông Lý Tiến Bần 17 ha, chị Ma Thị Hoài 15 ha... Chị Ma Thị Hoài, thôn Khuôn Thẳm cho biết, gia đình chị trồng gối rừng, bởi vậy, cách 1 đến 2 năm, chị lại được khai thác gỗ. Từ tiền bán gỗ cộng các nguồn thu khác, bình quân, gia đình chị có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Từ trồng rừng người dân ở xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) xây được ngôi nhà ở khang trang.
Từ phát triển kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ ở xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên thoát nghèo bền vững và đang hướng đến làm giàu. Gia đình ông Trần Ngọc Đăng, thôn Đèo Tế trước đây là hộ nghèo. Từ năm 2009, gia đình ông quyết định chuyển diện tích đất rừng sản xuất sang trồng keo, mỗi năm trồng một phần diện tích, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông đã trồng được 6 ha rừng. Từ rừng và phát triển chăn nuôi vườn, ao, chuồng mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, gia đình ông đã xây dựng được nhà, mua sắm các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình.
Ông Đặng Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức (Hàm Yên) cho biết, địa phương hiện có gần 5.400 ha rừng. Năm 2023, riêng kinh tế từ rừng đã đem lại thu nhập gần 40 tỷ đồng cho người dân. Để khuyến khích nhân dân gắn bó và tạo đà cho phát triển kinh tế rừng, xã đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh như: Hỗ trợ nguồn cây giống chất lượng cao cho người dân trồng rừng theo Nghị quyết 03 năm 2017 của HĐND tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, người dân trong xã được hỗ trợ gần 2 triệu cây giống keo mô và hạt giống trên tổng diện tích gần 1.200 ha. Từ trồng rừng đã thực sự trở thành một nghề có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo gắn xây dựng NTM tại địa phương.
Phát triển lâm nghiệp bền vững
Tỉnh xác định phát triển rừng gỗ lớn là hướng đi lâu dài, bền vững. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển thêm 20.000 ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000 ha. Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 16/7/2021 thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ha (tùy loài cây). UBND tỉnh cũng phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.
Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp như hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học và công nghệ trong chọn, tạo, cải thiện chất lượng giống cây trồng rừng; củng cố hệ thống vườn ươm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng trong tỉnh. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để phát huy năng lực làm chủ công nghệ nuôi cấy mô; đưa giống keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô vào trồng rừng đại trà, rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây lâm nghiệp và các biện pháp kỹ thuật lâm sinh đáp ứng tiêu chuẩn rừng gỗ lớn; thực hiện các biện pháp thâm canh rừng trồng và từng bước ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm gỗ chế biến đạt "Thương hiệu quốc gia Việt Nam"; diện tích khai thác gỗ rừng trồng mỗi năm đạt gần 10.000 ha. Đến năm 2030, tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm; duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm, tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; thu nhập bình quân rừng trồng đạt 350 triệu đồng/ha.