Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 44/TB-VPCP ngày 21/02/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng. Ảnh minh họa.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, mặc dù là Tỉnh miền núi, có đường biên giới dài 333,403 km với Trung Quốc, còn nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và thành quả về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2022 kinh tế của Tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng là 5,04%, quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người tăng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6%; thu ngân sách nhà nước đạt gần 4.000 tỷ đồng, vượt 136% dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 11%; đời sống Nhân dân được cải thiện, niềm tin của Nhân dân được củng cố và nâng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Cao Bằng vẫn còn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) ở mức thấp; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…

Phát huy truyền thống cách mạng, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh

Năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thời cơ đan xen với thách thức từ tình hình thế giới và nội tại nền kinh tế; để phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần lưu ý một số quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, kết quả chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng hào hùng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tạo xung lực vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, từ khung trời, mảnh đất, bàn tay, khối óc của chính mình; tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại.

Ưu tiên tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên tỉnh, liên vùng, phấn đấu hoàn thành dự án Đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 trong năm 2025.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng

Thông báo nêu rõ, Cao Bằng cần tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, hợp tác kinh tế với Trung Quốc; chú trọng xây dựng khu vực hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế; tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, làm trụ đỡ để giảm nghèo bền vững; tăng cường phát triển chế biến gỗ gắn với phát triển, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp chế biến khoáng sản; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để khai thác hiệu quả và tăng tỷ lệ lấp đầy; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Cao Bằng với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường tự nhiên.

Quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số.

Chú trọng giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các Trường Dân tộc nội trú cho học sinh người dân tộc thiểu số để phát huy hiệu quả nguồn lực về con người; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp và nghệ thuật đặc trưng của các dân tộc thiểu số.

Coi trọng bảo đảm quốc phòng, quản lý chặt chẽ biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển bền vững; xây dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại.

Sớm triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Đối với một số kiến nghị của Tỉnh, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Về hỗ trợ vốn thực hiện dự án "Đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)" và dự án "Tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh": Trước mắt, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, sớm triển khai xây dựng dự án Đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án trong năm 2025.

Để đảm bảo tính đồng bộ và phát huy tối đa khả năng kết nối nội vùng và liên vùng, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 dự án Đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2023.

Về đề nghị bố trí kinh phí để hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Tỉnh: Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc tổ chức sơ kết kết quả thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Tỉnh năm 2022; nghiên cứu, đề xuất cụ thể nhu cầu bố trí vốn để hỗ trợ Tỉnh hoàn thành dứt điểm việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, gửi Bộ Tài chính trong tháng 4/2023.

Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Xây dựng và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án bố trí vốn để hỗ trợ Tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý II năm 2023.

TIN LIÊN QUAN