Phát triển du lịch gắn với làng nghề ở Cao Bằng

(CL&CS) - Cao Bằng không chỉ là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hang Pác Pó... mà nơi đây còn có các làng nghề truyền thống độc đáo, có từ rất lâu với nhiều nét đặc trưng riêng, được duy trì và phát triển, là điểm trải nghiệm hấp dẫn với du khách.

Làng rèn Phúc Sen

Nếu du khách yêu thích sự trải nghiệm hay muốn tìm hiểu về văn hóa làng nghề nơi dân tộc nơi đây, thì không thể không đến nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Làng cách thành phố Cao Bằng 30km về phía Đông Bắc. Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Nùng An với khoảng 400 hộ dân thì một nửa trong số này làm nghề rèn.

Bước chân vào làng, du khách sẽ cảm nhận được ngay thanh âm nhộn nhịp, tiếng quai búa, tiếng đe, tiếng hò "hey ba, hey ba…" cứ thế vang dội. Đến gần hơn những hộ dân đâu đâu cũng thấy các bếp than rực lửa và những đốm hoa lửa tung tóe sau những nhát búa của người thợ rèn.

Bước chân vào làng, du khách sẽ cảm nhận được ngay thanh âm nhộn nhịp, tiếng quai búa, tiếng đe.

Theo người dân Phúc Sen kể lại, nghề rèn nông cụ ở nơi đây có thâm niên cả ngàn năm. Không biết vì làng nghề có từ lâu đời hay vì kỹ năng rèn, tôi sắt thép nơi đây có cách riêng mà các sản phẩm nông cụ được làm ra đều được bà con xa gần ưa thích.

Anh Lương Huấn - Thợ rèn xã Phúc Sen cho biết: “Trước tiên phải chọn nhíp dẻo, không phải là nhíp giòn, thường chọn nhíp ô tô bởi chúng có độ rắn và dẻo linh hoạt. Khi rèn, tùy vào kỹ thuật của từng người, con dao dùng tốt hay không chỉ cần nhìn qua cách tôi thép là biết. Ngoài ra, nước tôi thép cũng có bí quyết riêng không thể tiết lộ được”.

Làng hương Phia Thắp

Khác với làng Phúc Sen, người dân tộc Nùng ở Phia Thắp xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên lại có làng nghề làm hương truyền thống. 

Loại hương này hoàn toàn không dùng hóa chất. Bà con nơi đây làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi là cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai. Gỗ thông mục được nghiền nát thành bột để tạo màu…

Nhiều khách du lịch đến với làng Phia Thắp đều rất thích thú khi được trải nghiệm những công đoạn trong việc làm hương. Chính điều đó đã góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng An. Ngoài ra, còn quảng bá được nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc ở vùng công viên địa chất Non Nước Cao Bằng.

Nhiều khách du lịch đến với làng Phia Thắp đều rất thích thú khi được trải nghiệm những công đoạn trong việc làm hương.

Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng An - một nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc.

Em Đặng Thị Ngọc cùng các bạn (Cao Bằng) được các thầy cô đưa đến làng Phia Thắp để tìm hiểu về cách làm hương nơi đây, chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng nhưng đây là lần đầu em đến làng này. Ở đây mọi người tận dụng mọi nơi để phơi hương, những bó hương xòe ra như những bông hoa tô sắc cho làng”.

Làng nghề làm giấy bản của người Nùng An

Ở xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, người Nùng An còn có nghề làm giấy bản cũng rất nổi tiếng. Nghề này đã có từ lâu đời, đối với bà con vùng cao, giấy bản được dùng chủ yếu cho đời sống tâm linh, thường được dùng vào dịp cúng lễ, nhất là dịp Tết hằng năm.

Trải qua nhiều công đoạn, kỹ thuật sản xuất kỳ công và sự tỉ mỉ mới cho ra được những tờ giấy mỏng, dai.

Theo người dân ở đây cho hay, vỏ cây được dùng làm giấy bản là vỏ mạy sla (cây dưỡng). Cây này thường mọc tự nhiên trên các triền đồi, núi cao. Trải qua nhiều công đoạn, kỹ thuật sản xuất kỳ công và sự tỉ mỉ mới cho ra được những tờ giấy mỏng, dai.

Cụ Trương - già làng cao tuổi ở huyện Hà Quảng kể lại: “Giấy bản là một phần quan trọng trong đời sống của người dân Tày, Nùng. Giấy bản ghi chép lưu giữ các tài liệu truyện cổ dân gian, gia phả dòng họ và nhiều chức năng khác… Loại giấy này rất dai, có thể dùng được 10 năm hay thậm chí là cả trăm năm”.

Hiện nay người dân đã rất sáng tạo ra các sản phẩm từ giấy như: Quạt, quyển sổ…  du khách đến đây vừa được trải nghiệm vừa mua những phần handmade (thủ công) ủng hộ các bà con huyện Hà Quảng.

TIN LIÊN QUAN