Hội thảo "Phát triển chuẩn Đo lường Quốc gia và phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường" được Viện Đo Lường Việt Nam tổ chức, với sự tham gia đồng thuận của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Hiệp - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong 2 năm nay, Viện Đo lường Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Hai năm vừa qua, hoạt động đo lường đã có những khởi sắc, có thể kể đến như: Biên tập bộ tài liệu 25 cuốn về các phép đo, phối hợp với Cục TCĐLCL Bộ Quốc phòng và các đơn vị tổ chức chương trình so sánh liên phòng, phát triển chuẩn đo lường quốc gia…
“Trước đây chúng ta tiếp cận đo lường ở phương diện khoa học và chính xác, tuy nhiên với sự phát triển của thế giới và xu thế mới, đo lường không chỉ dừng ở khoa học và chính xác mà cần tiếp cận những thứ mới. Bởi nếu không tiếp cận những thứ mới sẽ rất khó đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội và xu thế hội nhập hiện nay”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường đã có bài tham luận liên quan đến kế hoạch triển khai thực hiện “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Giầu, mục tiêu chung của kế hoạch thứ nhất là theo hướng hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thứ hai là đáp ứng các yêu cầu QLNN về đo lường trong giai đoạn mới; thứ ba là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng SPHH phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; thứ tư là góp phần thúc đẩy, phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2024-2025: Duy trì, bảo quản và sử dụng 48 chuẩn ĐLQG đã được phê duyệt theo QĐ 1361/QĐ-TTg – Đầu tư phát triển mới, bổ sung 08 chuẩn ĐLQG, gồm: 02 chuẩn đo lường thuộc 02 đại lượng cơ bản; 06 chuẩn đo lường thuộc 05 đại lượng dẫn xuất.
Giai đoạn 2026-2030: Đầu tư nâng cấp mở rộng phạm vi đo, nâng cao trình độ 09 chuẩn ĐLQG của 08 đại lượng đã được phê duyệt, gồm: 01 chuẩn đo lường thuộc 01 đại lượng cơ bản, 08 chuẩn đo lường thuộc 07 đại lượng dẫn xuất; Đầu tư phát triển mới, bổ sung 36 chuẩn ĐLQG của 23 đại lượng, gồm: 09 chuẩn đo lường thuộc 03 đại lượng cơ bản và 27 chuẩn đo lường thuộc 20 đại lượng dẫn xuất.
Về nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch, theo ông Giầu, thứ nhất, cần tập trung, ưu tiên nguồn lực triển khai, phát triển các chuẩn ĐLQG được phê duyệt tại Quyết định 1488/QĐ-TTg. Thứ hai, phát triển chuẩn ĐLQG đáp ứng các yêu cầu: về sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; bảo đảm chuẩn ĐLQG được dẫn xuất đến chuẩn chính đang sử dụng trong các ngành kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng; Thứ ba, đào tạo cán bộ: Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong nước và quốc tế;
Thứ tư, duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn ĐLQG: Bảo đảm độ chính xác và tính liên kết của chuẩn tới Hệ đơn vị đo quốc tế SI; Thứ năm, hợp tác quốc tế: tham gia chương trình so sánh liên phòng ở cấp quốc tế; tham gia các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật về đo lường của OIML, BIPM, APLMF, APMP…, tham gia Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA).
Hội thảo đã được nghe 3 tham luận chuyên đề bao gồm: “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 1488/QĐ-Ttg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ; “Giới thiệu bộ tài liệu kỹ thuật đo lường”; “Giới thiệu chương trình so sánh liên phòng”.
Tiếp đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong công tác hoạt động đo lường ở địa phương, đơn vị; việc phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường; việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030...