Tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản: Bền vững môi trường, xã hội và quản trị (ESGs); Kiểm soát khí nhà kính (GHGs); Chứng nhận không phá rừng (EUDR)”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức ngày 16/4, các diễn giả đã cập nhật cho doanh nghiệp các kiến thức mới về các tác động trong nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đến môi trường cũng như các quy định của Việt Nam và quốc tế và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường, cắt giảm khí thải… nhằm sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, hiện nay Mỹ, EU và một số quốc gia phát triển trên thế giới đã ban hành luật bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính đối với các hàng hoá nhập khẩu.
Ngày 16/5/2023, quy định CBAM chính thức có hiệu lực tại EU. Đây là công cụ định giá hợp lý lượng các-bon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa sử dụng nhiều các-bon vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU.
Theo các diễn giả, hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện chính sách, giải pháp giảm phát thải các-bon của nước ta trong thời gian tới thông qua học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ, EU thông qua các chính sách như: quy định bắt buộc về việc công bố thông tin đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động trong các lĩnh vực có lượng khí thải các-bon cao; hoàn thiện cơ chế giao dịch tín chỉ các-bon; thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch hay quy trình sản xuất vốn rất khó để khử các-bon bằng các giải pháp ít hoặc không có phát thải các-bon; thiết lập quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo vệ tài nguyên rừng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng khó lường, việc phát triển bền vững trong sản xuất thực phẩm và nông sản trở thành ưu tiên hàng đầu. Quá trình sản xuất của các doanh nghiệp vừa phải đáp ứng nhu cầu của hiện tại, vừa không gây hại cho thế hệ tương lai. Đây là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.
Để đáp ứng các yếu tố trên và tiến bộ trên thang điểm ESG (một tiêu chuẩn đo lường yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng), các doanh nghiệp có thể thực hiện bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió, giúp giảm lượng khí thải carbon và giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể đảm bảo nguồn tài nguyên nước sạch để duy trì hoạt động sản xuất bền vững; áp dụng các biện pháp tái chế, tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất thực phẩm;... để bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030 Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Việc chuyển đổi này nhằm hướng đến đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh; nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp thực phẩm theo hướng minh bạch và bền vững phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ cung ứng đầu vào cho sản xuất đến khâu chế biến, phân phối thực phẩm và tiêu dùng. Để làm được điều này, cần phải rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy trình tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản xuất chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc dịch vụ môi trường Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đã chia sẻ nhiều giải pháp về sản xuất sạch, áp dụng tiêu chuẩn ESG trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nông sản, lương thực, thực phẩm. Từ đó, đề xuất các giải pháp, quy trình và lộ trình thực hiện nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh bằng cách đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường của các thị trường phát triển như Mỹ và EU.