Phát triển bền vững sản phẩm OCOP gắn với nông thôn kiểu mẫu

(CL&CS) - Thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới sáng tạo, nhất là đối với sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường xuất khẩu.

Nâng cao các đặc trưng và giá trị sản phẩm

Chương trình OCOP đã tạo tín hiệu tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Nâng cao các đặc trưng và giá trị sản phẩm OCOP TP.HCM

Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương, ngay từ đầu, thành phố đã có những chủ trương, những hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Đinh Minh Hiệp cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm được bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện Chương trình này. Việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm có một ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: khi triển khai thành công nó sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Đinh Minh Hiệp cho biết: Việc triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019-2020. Trong đó, có hai nội dung đáng chú ý: Thứ nhất, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình OCOP trên phạm vi toàn thành phố (giai đoạn 2019-2020, chương trình OCOP chỉ được triển khai điểm trên địa bàn năm huyện xây dựng nông thôn mới là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã mở rộng phạm vi thực hiện chương trình ra tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức). Thứ hai, mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Giai đoạn 2019-2020, tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, thì giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với sáu lĩnh vực: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Từ khi triển khai chương trình OCOP theo Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đã có những chuyển biến rõ rệt. Đáng chú ý, chương trình OCOP thu hút nhiều chủ thể như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, thành phố có hơn 190 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể. Trong đó, có 79 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; hơn 110 sản phẩm đạt 3 sao; có một sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao. Theo ông Hiệp, nhằm phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào chương trình OCOP, thành phố đã có những hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Cụ thể, tổ chức lễ công bố công nhận sản phẩm OCOP, hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, chợ phiên nông sản cuối tuần, tuần lễ sản phẩm OCOP Thành phố Hồ Chí Minh... Cùng với đó, đưa sản phẩm OCOP của thành phố tham gia triển lãm sản phẩm OCOP ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Được thành lập năm 2018, đến nay, Hợp tác xã Sản xuất Thương mại Dịch vụ rau sạch GAP (Hợp tác xã rau sạch GAP), huyện Hóc Môn có 13 thành viên chuyên trồng và cung ứng rau an toàn, rau sạch trên diện tích 2 ha. Sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt trong các cửa hàng thực phẩm, bếp ăn công nghiệp, trường học...

Ngoài ra, hợp tác xã cũng chủ động xây dựng cửa hàng thực phẩm để quảng bá sản phẩm. Xác định liên kết chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP là hướng đi tất yếu, hợp tác xã luôn ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Với nỗ lực này, năm 2023, sản phẩm của hợp tác xã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo đại diện Hợp tác xã rau sạch GAP, để có được thành quả này, ngay từ khi mới thành lập, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các thành viên tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn hữu cơ... nhằm sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm

Chương trình OCOP là một trong sáu chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành 100% số xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 100% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu trên địa bàn Thành phố có 28 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 03 sao trở lên, góp phần hoàn thành hoàn thành mục tiêu Đề án thực hiện Chương trình OCOP tại Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 08/6/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Thành phố tập trung thực hiện các nội dung như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố trong năm 2024, tập trung tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, giải pháp và Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, nhằm giúp các sở ngành có liên quan, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân hiểu rõ nội dung Chương trình.

Thứ haitổ chức phân hạng, đánh giá sản phẩm OCOP, giám sát sản phẩm OCOP thông qua việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, tăng cường áp dụng công nghệ, đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm tại các địa phương; kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện và chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.

Thứ bađẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP bằng hình thức thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP; Quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP tiềm năng.

Thứ tưtăng cường chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP thông qua hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia hệ thống thương mại điện tử OCOP quốc gia, tham gia các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng livestream,… Hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng website, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Thứ nămxây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông là một trong các đơn vị hỗ trợ hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tiếp nhận chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tập trung vào phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố.

Vì vậy, các đơn vị liên quan cần quan tâm phát triển chương trình OCOP bền vững. Trong đó, cần hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Đó là tổ chức các chương trình kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố.

TIN LIÊN QUAN