Trong giai đoạn vừa qua, Châu Á phải đối phó với sự già hóa dân số và giảm tốc độ tăng năng suất lao động trong khi Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, bao gồm khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và rủi ro suy thoái kinh tế.
Thúc đẩy nền kinh tế xanh và phát triển bền vững thông qua đầu tư có trách nhiệm hiện đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư hiện nay, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ tại COP26 (đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).
Tháng 7/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg về việc Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027. “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030” đã đặt ra các mục tiêu sát sao với chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Cùng thời gian này, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang có những đột phá lớn, tác động và ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Vì vậy chia sẻ các ý kiến về vai trò của AI trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, từ các khía cạnh tích cực đến những thách thức chúng ta phải đối mặt là hết sức cần thiết.
Hội thảo được tổ chức hướng tới các mục tiêu, Xây dựng diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu liên quan tới những góc nhìn mới về các xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (hay còn gọi là “chuyển đổi kép”) trong kinh tế và kinh doanh từ quốc gia phát triển và ở Việt Nam; Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các rào cản chuyển đổi kép trong quản trị kinh doanh; cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Quang cảnh Hội thảo (ảnh Ngọc Lan)
Ở Việt Nam, từ năm 2020, Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ trong giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đồng hành cùng Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ trong chuyển đổi kép. Song thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi mang tính toàn diện này đang tạo ra những thách thức lớn, đặt ra những yêu cầu vượt xa phương thức và ý tưởng truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc, thay đổi căn bản về tư duy và hành động.
GS.TS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán (VIASM), cho biết những đột phá trong công nghệ kỹ thuật số và AI, dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, tạo ra một phương thức sản xuất kỹ thuật số. Chuyển đổi số phải là một cuộc cách mạng. Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội của ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp.
Cũng theo GS. Hồ Tú Bảo, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế- xã hội, mà là quá trình thiết lập “chế độ sản xuất số”- phương pháp sản xuất mới, tiên tiến và hiện đại. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới hiện nay là chuyển đổi xanh. Chuyển đổi số phải song hành với chuyển đổi xanh.
Theo TS. Hoàng Xuân Vinh, PGS.TS. Trần Thị Hiền, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có bài phân tích, đánh giá về mức độ chuyển đổi số tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi kép đang trở thành xu thế bắt buộc. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi số, đặc biệt là trong các dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử.
Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách để đẩy nhanh quá trình này, đáng chú ý là việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào tháng 6/2020 với tầm nhìn: Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về công nghệ số tại ASEAN vào năm 2030. Các văn bản pháp lý để xây dựng môi trường pháp lý và các biện pháp bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cũng đã được ban hành.
Để có lộ trình chuyển đổi số hiệu quả và thông tin rõ ràng, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia có đặc điểm kinh tế- xã hội tương tự ở Đông Nam Á và một số quốc gia đã phát triển khoa học và công nghệ số như Trung Quốc, Pháp, Hoa Kỳ. Các quốc gia này đã triển khai các chiến lược và chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực then chốt như dịch vụ công, cơ sở hạ tầng công nghệ, thương mại điện tử và phát triển kỹ năng số.
Theo các chuyên gia, trong tiến trình chuyển đổi kép, Việt Nam có thể học hỏi bài học từ các quốc gia này để tránh những thách thức tiềm ẩn, tối ưu hóa việc triển khai các giải pháp công nghệ và xây dựng chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của Việt Nam.