Phát huy tiềm năng du lịch ẩm thực

(CL&CS) - Lễ hội Phở Việt Nam vừa được tổ chức tại công viên Yoyogi ở Tokyo (Nhật Bản) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Nhật Bản và người Việt Nam tại đây. Lâu nay Phở như một “đại sứ” của ẩm thực Việt Nam ở nhiều quốc gia, nhất là những nơi có có đông đảo người Việt sinh sống, làm việc.

Phở đã lan tỏa đặc sắc ẩm thực cũng như văn hóa của người Việt. Mới đây hàng loạt nhà hàng nổi tiếng của Việt Nam đã được cẩm nang ẩm thực thế giớ Michelin Guide đã gắn sao- khẳng định chất lượng, sự hấp dẫn của ẩm thực Việt. Nhiều món ăn đặc sắc Việt Nam đã được không ít các tạp chí, tổ chức về du lịch vinh danh, xếp hạng. Việt Nam đã nhiều lần lọt top danh sách những điểm đến hàng đầu thế giới về ẩm thực.

Ảnh minh họa.

Ẩm thực đường phố cũng là nét đặc sắc của Việt Nam, nét văn hóa này không chỉ hấp dẫn các du khách quốc tế mà không ít chính khách đã bị cuốn hút khi đến thăm nước ta.

Ẩm thực đã trở thành một thành tố quan trọng của ngành du lịch. Đây chính là yếu tố góp phần tạo sự khách biệt của sản phẩm du lịch nước ta. Hơn nữa, gắn với cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, đời sống, ẩm thực tạo sự phong phú cho các sản phẩm du lịch trải khắp các vùng miền trên cả nước.

Nhìn thẳng thực tế, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch ẩm thực, việc phát huy tiềm tăng này cần được quan tâm hơn nữa trong bối cảnh cả nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi lượng du khách quốc tế. Chúng ta thường nhắc nhiều đến các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm... tuy nhiên du lịch ẩm thực còn ít được đề cập. Nhiều nhà kinh tế, chuyên gia ẩm thực cùng chung nhận định đẩy mạnh phát triển văn hóa ẩm thực, gắn với phát triển ngành du lịch là mũi tên trúng nhiều đích. Bởi kết quả không chỉ mang lại doanh thu lớn hơn cho ngành du lịch mà còn giải quyết công ăn việc làm, phát huy văn hóa bản địa và phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực. Để phát huy hiệu quả văn hóa ẩm thực, cơ quan quản lý du lịch và các địa phương cần xây dựng các chương trình cụ thể, gắn với từng sản phẩm ẩm thực để quảng bá hiệu quả đến du khách. Bên cạnh việc phát huy những sản phẩm đặc sắc, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, quản lý việc kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng cần được chấn chỉnh và nâng cao chất lượng. Du lịch ẩm thực sẽ thực sự cuốn hút khi từng cộng đồng, từng địa phương và các doanh nghiệp chung tay phát triển.

TIN LIÊN QUAN