Đồng hành cùng phát triển
Câu chuyện về mối quan hệ giữa báo chí và DN qua thực tiễn đã chứng minh đó là mối quan hệ tương hỗ, gắn bó cùng phát triển. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, báo chí có một vị trí rất quan trọng, góp phần cho sự phát triển của DN, thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Báo chí không chỉ là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với DN và người dân trong xã hội, mà còn là diễn đàn để DN, người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến cũng như những kiến nghị của mình với các cơ quan có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gặt hái nhiều thành công hơn.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu Hapro đã khẳng định được vị thế riêng không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trên chặng đường này luôn có sự đồng hành của cơ quan báo chí. Nhất là trong những giai đoạn khó khăn, nhờ có báo chí mà những khó khăn, vướng mắc cũng như “tâm tư, nỗi niềm” của DN nhanh chóng được chuyển đến các cơ quan quản lý và nhờ vậy cũng phần nào được giải quyết nhanh hơn.
Trân trọng vai trò của báo chí trong sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, báo chí giúp truyền tải thông điệp từ phía doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người tiêu dùng. Ngược lại, thông qua báo chí, doanh nghiệp nắm được rất nhiều thông tin quan trọng về kinh tế, xã hội, về thị trường xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, là kênh tham khảo quan trọng để doanh nghiệp cân nhắc khi lựa chọn bạn hàng cho doanh nghiệp của mình.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng tỏ ra lạc quan về vai trò của báo chí khi cho biết thời gian qua, báo chí đã tích cực chuyển tải những ý kiến và đề xuất của HoREA đến Chính phủ để giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào GDP của đất nước.
Song theo một số doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, khi khó khăn của doanh nghiệp còn nhiều, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp càng trở nên quan trọng, cần sự “thấu hiểu - chia sẻ - đồng cảm” để cùng nhau vượt qua. Các doanh nghiệp ngoài bản thân nội lực vượt qua khó khăn, cần báo chí hỗ trợ lan toả thông tin tích cực, chia sẻ kịp thời thông tin khó khăn trên tinh thần xây dựng, hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh để cho hoạt động ngày một bền vững, hướng đến hài hoà lợi ích của các bên cùng thắng.
Tìm cách thích ứng
Theo các chuyên gia, báo chí mặc dù vẫn là kênh truyền thông tốt nhất để nâng cấp thương hiệu của DN, tuy nhiên, trong thời gian qua vì nhiều lý do, trong đó có sự bùng nổ về nhiều hình thức thông tin qua internet như một lẽ tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0, cũng như giai đoạn phục hồi kinh tế đầy khó khăn sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự hợp tác mà mỗi bên đều phải tìm cách thích ứng.
Bàn về vấn đề này, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty CP Western Pacific cho biết, khoảng 10 năm trước đây, doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn quảng cáo sản phẩm, phần lớn nguồn ngân sách quảng cáo chảy vào các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện nay DN có nhiều sự lựa chọn hơn và tính hiệu quả quảng cáo được đặt lên hàng đầu.
Theo bà Huệ, khối DN vẫn luôn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với báo chí, song báo chí hiện không còn giữ vai trò “độc tôn” trong giám sát nữa, mà cũng là đối tượng được giám sát. Do vậy, cần có sự thay đổi trong quan hệ giữa hai bên theo hướng tương hỗ lẫn nhau nhiều hơn.
Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng trong bối cảnh khó khăn và sự lan truyền thông tin tràn ngập hiện nay, có hai vấn đề nan giải cần được giải quyết là niềm tin và hiệu quả trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí. Doanh nghiệp cần những bài viết sâu sát, am hiểu và phản ánh thực tiễn hơn để hỗ trợ đưa thông tin đến thị trường, phản ánh nguyện vọng của mình và khuyến khích phát triển. Báo chí cần sự phối hợp cung cấp nguồn tin minh bạch, chất lượng và kịp thời để nâng cao giá trị truyền thông, khẳng định vị trí là nơi tham chiếu trong thời đại công nghệ số tràn lan thông tin thiếu kiểm chứng.
Mặt khác, hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho DN, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Các DN cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định quốc tế, tận dụng cơ hội kinh doanh mới và đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về thị trường quốc tế, các hiệp định thương mại và xu hướng kinh tế toàn cầu, giúp DN đưa ra các quyết định chiến lược chính xác.
Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, báo chí cần nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn thông tin. Việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có chiều sâu về các vấn đề quốc tế là yếu tố then chốt giúp DN nắm bắt bối cảnh toàn cầu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Báo chí cần đảm bảo rằng thông tin được truyền tải không chỉ phản ánh thực tế mà còn phân tích các xu hướng và dự báo tiềm năng, giúp DN có cái nhìn toàn diện và sâu sắc.