Ông Nguyễn Xuân Thành: GDP Việt Nam có thể tăng 6,9% năm 2021

(CL&CS) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam dự báo năm 2021, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 6,9%. Khả năng phục hồi dự kiến diễn ra từ quý 2/2021.

Tại hội nghị đầu tư "Dòng tiền mới hậu Covid-19" được Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức vào 5/11, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định: Một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới là ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo hướng vào xuất khẩu

Ông Nguyễn Xuân Thành chỉ ra động lực tăng trưởng đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ khả quan, bao gồm triển khai những dự án bị hoãn lại do Covid-19 trong năm 2020 và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng (chưa chắc chắn). Ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo hướng vào xuất khẩu: những ngành xuất khẩu sang EU được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA và phục hồi xuất khẩu sang Đông Bắc Á, Đông Á.

Kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 cũng nằm trong đà phục hồi chung của kinh tế thế giới hậu Covid-19. Biểu hiện của sự phục hồi chính là số liệu kinh tế quý 3/2020 ở nhiều quốc gia đã có sự tăng trưởng trở lại. Trong ngắn hạn, hầu hết các nền kinh tế sẽ phục hồi tốt trở lại trong năm 2021. Trong trung hạn, nhiều tập đoàn lớn toàn cầu có xu hướng đầu tư trở lại quê nhà, đặc biệt các tập đoàn đến từ Bắc Mỹ, EU dẫn đến xáo trộn dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Thành ước tính GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,5% nhờ tăng trưởng đầu tư công và tăng trưởng xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo phục hồi nhưng không đồng đều, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng lần lượt 4,6% và 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành sản xuất sản phẩm nội địa, hàng thiết yếu như: dược phẩm, giấy, hóa chất, vật liệu xây dựng, sản phẩm điện tử cho xuất khẩu... sẽ tăng trưởng tốt. Sản phẩm xa xỉ (xe hơi, xe máy, thậm chí đồ uống), sản phẩm xuất khẩu truyền thống (dệt may, giày dép)… sẽ suy giảm.

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ: Năm điều cấp bách mà các doanh nghiệp cần giải quyết để vươn lên trong giai đoạn bình thường mới.

Đó là: Đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số; Tăng cường khả năng quản trị rủi ro và an ninh mạng; Tái cấu trúc để nắm bắt các cơ hội mua bán sáp nhập; Cân nhắc lại phương thức làm việc trong tương lai; Tái nhận diện và điều chỉnh mô hình kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN