Thay đổi trụ sở chính
Đây là một trong số nhiều tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ được tổ chức vào 28/4/2023 tại TP.HCM.
Hiện nay, trụ sở chính của OCB được đặt tại số 41 (tầng trệt, tầng lửng, tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Đây là trụ sở rất lâu đời của OCB.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT nhận thấy tòa nhà The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM đáp ứng được yêu cầu của OCB để đặt trụ sở chính. Với vị trí tòa nhà nằm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TP.HCM. Tại The Hallmark, OCB sẽ thuê một phần tầng 1, một phần tầng 2, tầng 3, tầng 4, tầng 6 và một phần tầng 29.
OCB cũng sẽ trình đại hội tăng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ 8 lên 9 và đồng thời số lượng thành viên HĐQT OCB hiện nay mới 7 người (do ông Ito Takeshi từ nhiệm từ 1/7/2022) nên đại hội sẽ bầu bổ sung 2 thành viên. Hai ứng cử viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng.
Ông Kato Shin (sinh 1966, quốc tịch Nhật Bản) có bằng cử nhân Kinh doanh thương mại của Đại học Keio. Từ 7/2022, ông là cán bộ điều hành trưởng khối đầu tư châu Á, kiêm trưởng bộ phân châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Aozora (Nhật Bản) - cổ đông đang sở hữu 15% vốn điều lệ của OCB. Hiện nay, Ngân hàng Aozora có đại diện tại HĐQT OCB là ông Yoshizawa Toshiki.
Ông Nguyễn Đình Tùng (sinh 1971) có bằng cử nhân của Đại học Thương nghiệp Hà Nội. Ông Nguyễn Đình Tùng có 13 năm làm việc tại OCB với chức danh Phó Tổng Giám đốc, Quyền Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc OCB từ 8/2012. Trước đó ông làm việc tại VIB, MSB, ING Private Banking Singapore và Phó Tổng Giám đốc MSB, Phó Chủ tịch HĐQT MDB.
Năm 2022 - lợi nhuận giảm 20,5%
Năm vừa qua, OCB cùng NCB, Kienlongbank, ABBank là những nhà băng có lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh 27 ngân hàng niêm đạt 246.218 tỷ đồng (10,6 tỷ USD) lợi nhuận trước thuế, tăng 33,7% so với năm 2021.
OCB cho biết năm vừa qua, thu từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục tăng trưởng tốt. Tổng thu nhập lãi thuần tăng 21%, đạt 6.948 tỷ đồng. Tổng thu phí dịch vụ thuần tăng 29%, đạt 1.014 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu thuần ngoài lãi khác của ngân hàng (chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối, hoạt động khác) chỉ đạt 572 tỷ đồng, giảm so với mức 2.369 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu do hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu Chính phủ chịu tác động bất lợi khi lãi suất tăng và ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung của toàn ngân hàng.
Kết thúc năm 2022, OCB đạt 5.519 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 20,5% so cùng kỳ năm trước và hoàn thành 62% kế hoạch năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.540 đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản OCB đạt 193.994 tỷ đồng, tăng 5,2% so với thời điểm đầu năm.
Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 122.792 tỷ đồng, tăng 18,5% - cao hơn mức trung bình của ngành. Hoạt động ngân hàng bán lẻ có những kết quả tích cực với nhiều sản phẩm dịch vụ sáng tạo như: hành trình cho vay mua nhà (unlock dream home) hướng đến khách hàng mua nhà có nhu cầu ở thực, ngân hàng số OCB OMNI, thẻ tín dụng số OCB Igen, tài khoản may mắn.
Tổng huy động thị trường 1 đạt 137.394 tỷ đồng, tăng 8,7%. Tiền gửi khách hàng là 102.203 tỷ đồng, các giấy tờ có giá 32.023 tỷ đồng, vốn tài trợ và ủy thác đầu tư 3.200 tỷ đồng.
Trong hoạt động quản trị rủi ro, OCB đã hoàn thành dự án Basel II nâng cao và Basel III. Hệ số an toàn vốn (CAR Basel II) ở mức 12,84%; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn 31,9%; hệ số LDR (cho vay/huy động vốn) 75,61%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,71%.
Năm 2023, kế hoạch lợi nhuận tăng 37% lên 6.000 tỷ đồng
Năm 2023 được dự đoán tiếp tục là một năm thách thức. Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước dự kiến theo hướng thận trọng, ưu tiên kiểm soát lạm phát, tỷ giá nhưng vẫn giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Từ nhận định trên, OCB định hướng tiếp tục tập trung vào phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, OCB đầu tư và phát triển các dự án về chuyển đổi số; tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nghiên cứu triển khác các chuẩn mực quốc tế IFRS 9, cá nhân hóa các nội dung tiếp thị…
OCB đặt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 tổng tài sản tăng 25% (đạt 242.152 tỷ đồng), tổng huy động thị trường 1 tăng 26% (173.087 tỷ đồng), tổng dư nợ thị trường 1 tăng 20% (147.330 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế tăng 37%, đạt 6.000 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ thêm 50%
Sau khi trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng thì lợi nhuận để lại năm 2022 của OCB là 2.944 tỷ đồng. Lợi nhuận để lại của các năm trước 4.093 tỷ đồng nên OCB có nguồn vốn 7.037 tỷ đồng tổng lợi nhuận để lại.
OCB sẽ trình đại hội phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%, tổng nguồn tiền thực hiện 6.849 tỷ đồng, tương đương 684.941.431 cổ phiếu được phát hành. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến đạt 20.548 tỷ đồng.