Với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu OCB sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới), OCB sẽ phát hành 684.941.431 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
Hiện nay, cổ đông lớn của OCB là Aozora Bank, Ltd. (Nhật Bản) sở hữu 205.482.440 cổ phiếu, tỷ lệ 15% vốn điều lệ OCB.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cùng những người có liên quan đang nắm giữ 270.779.546 cổ phiếu, tỷ lệ 19,76%. Ngoài ra, ông Trịnh Văn Tuấn còn có người con gái là Trịnh Thị Mai Anh đang đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT OCB.
Định hướng kinh doanh năm 2023, OCB đặt mục tiêu tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 soát xét, OCB đạt 4.453 tổng thu nhập hoạt động và 2.560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 16,8% và 47,2% so cùng kỳ năm trước. Với lợi nhuận đạt được, OCB đã hoàn thành 42,7% kế hoạch lợi nhuận năm nay (6.000 tỷ đồng).
Tại thời điểm 30/6, OCB có 211.292 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 8,92% so với đầu năm; tiền gửi khách hàng 110.456 tỷ đồng, tăng 8,07%; cho vay khách hàng 127.573 tỷ đồng, tăng 6,49%.
Hiện nay, OCB có 4.061 tỷ đồng tổng nợ xấu, tăng 52,1% so với đầu năm (+1.390 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,18%, tăng 0,95 điểm phần trăm.
Đóng cửa ngày 11/9, cổ phiếu OCB đạt 21.900 đồng/cổ phiếu, tăng 21,7% so với đầu năm và giúp vốn hóa ở mức 29.179 tỷ đồng.