Việt Nam chính thức tham gia Olympic Toán học Quốc tế (IMO) từ năm 1974. Trải qua 50 năm, đội tuyển nước ta đã có 289 lượt học sinh tham dự và đạt được tổng cộng 271 huy chương. Trong đó, lịch sử IMO ghi nhận 12 thí sinh nữ của Việt Nam tham dự và đều đoạt giải (4 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng).
Mùa hè năm 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, ngành giáo dục Việt Nam đã "mạo hiểm" cử một đội tuyển gồm 5 học sinh đi dự Olympic Toán Quốc tế lần thứ 16 tổ chức tại Berlin (CHDC Đức). Kết quả, đội tuyển đã gây ấn tượng mạnh với thành tích xuất sắc ngay lần đầu tiên tham dự: 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.
Trong lần thứ hai tham dự, năm 1975, đội tuyển Olympic Toán học của Việt Nam đã có nữ thí sinh đầu tiên là Phan Vũ Diễm Hằng.
Khi đó, bà là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bà Phan Vũ Diễm Hằng đã đoạt Huy chương Đồng với thành tích 24/40 điểm, trở thành nữ sinh Việt Nam đầu tiên tham gia và giành huy chương tại cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế.
Theo chia sẻ, bà Hằng bắt đầu hành trình theo đuổi Toán học từ lớp 6 dưới mái trường Trưng Vương, Hà Nội. Dù học giỏi đều cả Toán và Văn, nhưng chính cách thức giảng dạy gợi mở của thầy giáo Lê Mộng Ngọc đã khiến cô học trò Phan Vũ Diễm Hằng quyết định chọn theo đuổi Toán học.
“Có những đề toán tôi tìm được vài cách giải, thầy giáo khích lệ thành ra mình hứng thú. Mình cứ thế học tiếp, như kiểu bản năng. Thích thú đến nỗi có những lời giải mình tìm thấy trong giấc mơ”, bà Diễm Hằng nhớ lại.
Bà xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, tổ tiên nhiều đời làm quan lại. Ông nội bà Hằng là cụ Phan Kế Toại, nguyên là Khâm sai Bắc Bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ đã tham gia Việt Minh và trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ trong bốn nhiệm kỳ liên tục từ tháng 9/1955 đến tháng 6/1973.
Dù là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, nhưng bà Hằng không cảm thấy áp lực phải học giỏi. Bà đến với Toán học một cách tự nhiên, như hơi thở. Và rồi, tình yêu Toán học đã dẫn bà đến lớp Chuyên Toán A0, Đại học Tổng hợp (nay là Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm đó, trong lớp Chuyên Toán A0 có 21 học sinh nhưng chỉ có bà Diễm Hằng và một nữ sinh khác.
Sau khi đạt giải, Phan Vũ Diễm Hằng được Nhà nước cử sang Nga học chuyên ngành Toán, bà chọn Toán ứng dụng, ngành Điều khiển tối ưu. Ngành học này với các ứng dụng trong lĩnh vực Y tế đã tạo tiền đề để bà làm việc trong lĩnh vực Dịch tễ và Y học cộng đồng.
Ra trường, bà về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Làm việc tại đây được 16 năm, năm 1997, bà xin ra ngoài làm cho Dự án phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc. Thời điểm đó, HIV/AIDS đang là nỗi sợ hãi với nhiều người.
Sau khi nghỉ hưu, bà Hằng tiếp tục công việc từ thiện đã gắn bó từ khi còn đi làm, cùng với những người bạn, bà đã thực hiện thêm những phần việc nhỏ vì cộng đồng. Bà sáng lập nhóm Ong Chăm với mục đích thúc đẩy sự phát triển của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, đặc biệt là quan tâm đến việc học tập và phát triển của trẻ em nơi đây...