Nghệ sĩ Thanh Nga, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1942 tại Tây Ninh. Bà là con của ông Nguyễn Văn Lợi (Hội đồng Lợi) và bà Nguyễn Thị Thơ (Bà bầu Thơ).
Ông Lợi là một quan chức khá giả, trong khi bà Thơ là một người yêu thích cải lương. Do đó, từ khi còn nhỏ Thanh Nga đã được dạy dỗ nhiều kỹ năng nghệ thuật từ ca hát, múa đến cầm kỳ thi họa. Cảm hứng và năng khiếu nghệ thuật của bà được phát triển từ môi trường gia đình. Thanh Nga lớn lên trong sự giáo dục tỉ mỉ từ cha mẹ.
Bà Thơ là người rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Thừa huỏng những tư chất từ cha mẹ, Thanh Nga khi trưởng thành nhanh chóng nổi bật với vẻ đẹp thanh lịch, quý phái và phong cách mềm mại đúng chất “con nhà nghệ” từ dáng đi đến cử chỉ.
Sau khi ly hôn với ông Hội đồng Lợi, bà bầu Thơ tái hôn với ông Năm Nghĩa là một thầy giáo mê cải lương. Hai vợ chồng bà đưa các con lên Sài Gòn, lập ra đoàn Thanh Minh.
Bà bầu Thơ quan niệm gánh hát lập ra không để lăng xê con cháu, những ai thật sự có tài năng mới cho biểu diễn nhưng Thanh Nga sớm trở thành ngôi sao sáng giá của đoàn bởi tài năng và nhan sắc vẹn toàn.
Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh và được mọi người chú ý.
Năm 12 tuổi, bà vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa tạo được tiếng tăm ban đầu.
Khi chỉ mới 16 tuổi, Thanh Nga đã giành được giải Thanh Tâm – một giải thưởng uy tín trong giới cải lương. Cô nhanh chóng trở thành tên tuổi lừng lẫy trong nền cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ thanh sắc của một đào hát.
Như một minh chứng cho tầm ảnh hưởng lớn của Thanh Nga, đoàn Thanh Minh sau đó đã đổi tên thành Thanh Minh – Thanh Nga. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga sau đó đã phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nghệ sĩ tiêu biểu tham gia.
Trong giai đoạn này, NSND Phùng Há - người được kính trọng gọi là bậc thầy của cải lương đã nhận Thanh Nga làm đệ tử và tận tình chia sẻ với cô những bí quyết, kỹ năng từ việc hát cho tới diễn xuất. Ông Phùng Há từng bày tỏ quan điểm về Thanh Nga rằng: "Mấy em sau này, chưa ai diễn bằng Thanh Nga".
Giọng ca của Thanh Nga có một âm hưởng độc đáo dù không quá chú trọng vào kỹ thuật nhưng giọng hát của bà vẫn đầy ấn tượng và chứa đựng sâu lắng những cảm xúc. Bà là người đạt tới cảnh giới diễn bằng giọng hát, hát và thoại trên sân khấu hòa làm một đầy nhịp nhàng, uyển chuyển, thể hiện được vô vàn sắc thái, lúc ủy mị, mùi mẫn, đau thương, lúc lại hùng dũng, uy nghi, lẫm liệt…
Khi nói đến diễn xuất, kỹ năng diễn xuất thông qua gương mặt và ánh mắt của Thanh Nga thực sự đặc sắc, khó ai sánh kịp. Trên sân khấu, từng bước đi, từng lời nói, mọi cử chỉ của bà đều tinh tế, có ý đồ cụ thể, không thừa thãi. Bà cũng có khả năng diễn đạt nhanh chóng và mạch lạc giữa các cảm xúc khác nhau trong khoảng thời gian ngắn.
Trong giai đoạn từ 1960 đến 1970, Thanh Nga được mệnh danh là "nữ hoàng" của làng cải lương miền Nam và hai lần đoạt giải Thanh Tâm. Bà như cơn bão sân khấu, bá chủ phòng vé, được vô số khán giả, đàn em ái mộ, cứ hễ diễn ở đâu là cháy vé tới đó. Khán giả nô nức mua vé tới rạp chỉ để được thấy Thanh Nga diễn.
Trong suốt hơn hai thập kỷ gắn bó với nền nghệ thuật, Thanh Nga được biết đến qua hàng loạt vở cải lương nổi tiếng bao gồm cả những vở lịch sử, cổ trang và hiện đại như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn và Thái hậu Dương Vân Nga. Đặc biệt, những vai diễn như nữ tướng hay nữ anh hùng đã thể hiện đỉnh điểm nghệ thuật của bà, mà đến nay vẫn chưa có nghệ sĩ nào có thể vượt qua.
Vai Thái hậu Dương Vân Nga đã giúp Thanh Nga khắc họa một hình ảnh sân khấu huyền thoại, không chỉ cho bà mà cả vở diễn. Mọi biểu hiện từ lời nói đến cử chỉ và giọng hát đều đặc sắc và đầy quyền uy, phản ánh tình yêu quê hương.
Không chỉ dừng lại ở cải lương, Thanh Nga còn góp mặt trong nhiều bộ phim. Bà đã được vinh danh với giải Diễn viên nữ xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh châu Á năm 1974 và là gương mặt nữ tiêu biểu của đoàn điện ảnh tham gia Đại hội Điện ảnh tại Ấn Độ vào năm 1969.
Năm 1978 Thanh Nga qua đời vì bị ám sát, khán giả cả nước vô cùng bàng hoàng và thương tiếc bà. Rất nhiều người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn để tiễn đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng, nối dài một con đường.
Năm 1984, bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên dù đã qua đời nhưng vẫn được truy tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong đợt xét tặng đầu. Tới năm 2005, tên Thanh Nga cũng được đắt cho một con đường.
Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng tên tuổi Thanh Nga vẫn có sức hút kỳ lạ với khán giả. Các lớp nghệ sĩ trong nghề vẫn luôn kính trọng và coi bà như một tấm gương để học hỏi.