Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 9 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 9,8 tỷ USD.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm. Riêng mặt hàng rau quả từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 1,4 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong thời gian qua thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục CB&PTTTNS thì một điều đáng chú ý, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU, Mỹ… như bưởi, thanh long, chanh dây, dừa, nhãn, vải… nhưng vẫn rất khó để xuất sang Trung Quốc. Đến nay mới chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước còn rất lớn, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 16 trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (số liệu năm 2019). Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu trên thế giới trong đó có sản phẩm trái cây nhiệt đới... và Trung Quốc là thị trường đích đứng thứ 1, trên 70% rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước giờ nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ rằng thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng thực chất thì không phải vậy.
Tại hội thảo được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, những quy định thị trường đối với kiểm dịch thực vật - an toàn thực phẩm xuất khẩu của thị trường Trung Quốc đã có sự thay đổi.
Hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của rau quả nhập khẩu nhắm kiểm soát nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về phía doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn khi thị trường Trung Quốc thay đổi về kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu khiến việc thông quan chậm hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc cập nhật thông tin quy định mới.
Bà Vy dẫn chứng việc áp dụng nghị định thư cho xuất khẩu măng cụt cho thấy Trung Quốc đã thay đổi và áp dụng những tiêu chuẩn như các thị trường khó tính.
“Trước giờ nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ rằng thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng thực chất thì không phải vậy. Cụ thể như tiêu chuẩn organic của Trung Quốc có yêu cầu cao nhất thế giới”, bà Ngô Tường Vy thông tin thêm.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, việc thay đổi chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu ở hầu hết các thị trường.
Ngành nông nghiệp và các địa phương sản xuất nông sản xuất khẩu cần tăng cường phổ biến thông tin đến từng doanh nghiệp, hộ sản xuất để hiểu rõ, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy nhanh việc khai thác hiệu quả nhu cầu thị trường và tạo đầu ra bền vững cho các loại nông sản, rau quả Việt Nam trong thời gian tới.