Nông sản Việt đang bị đe dọa ngay trên sân nhà

(NTD) - “Nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm bẩn nguyên liệu, áp dụng kỹ thuật lạc hậu, trồng theo tâm lý số đông...; doanh nghiệp thu mua ít hợp đồng với nông dân, thích mua hàng trôi nổi, ai bán rẻ nhất thì mua...; tất cả điều đó khiến nông sản của Việt Nam bị lép vế trên thị trường”.

Trên đây là những cảnh báo của các chuyên gia tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác công tư phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/12 tại TP.HCM.

Thị trường chịu nhiều sức ép

GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết hiện nay mỗi ngày có rất nhiều rau quả nhập chính thức từ nước ngoài, hoặc qua đường tiểu ngạch từ các nước láng giềng vào Việt Nam. Món hàng cơ bản nhất là gạo cũng đang bị gạo Campuchia và gạo Thái Lan lấn át. Đường trắng của Thái Lan vượt đường xa xôi qua Camphuchia đến Việt Nam mà giá vẫn còn rẻ hơn 35% so với đường của Việt Nam.

Theo GS Xuân, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có thương hiệu mạnh, đáng tin cậy và còn mua bán hàng trôi nổi. Chưa kể một số công ty vẫn còn lệ thuộc vào tổng công ty nhà nước. Trong khi nông dân và doanh nghiệp mất lòng tin lẫn nhau thì nhà nước cũng không có chiến lược nông nghiệp khả thi, để mặc cho nông dân và doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, chưa tích cực chuẩn bị cho doanh nghiệp và nông dân cải tiến năng lực cạnh tranh.

Mặc dù có năng suất cao trong một số sản phẩm nông sản nhưng Việt Nam lại đứng sau các nước trong khu vực về hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước. Đây là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng nông nghiệp trong những năm gần đây. Ngoài ra, thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nguyên liệu thô, chất lượng thấp nên giá bán luôn thấp hơn các nước khác. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề báo động tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính của những tồn tại nói trên đó là khâu tổ chức sản xuất bất cập, manh mún, thiếu liên kết. Giữa sản xuất nông sản hàng hóa và hoạt động chế biến và tiêu thụ không có sự gắn bó khiến sản xuất phát triển không ổn định và thiếu bền vững, “vòng xoáy trồng - chặt” thường xuyên xuất hiện ở nhiều loại cây trồng.

Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh liên kết nông dân - doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, cho biết nhằm khắc phục những điểm yếu của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ và thiếu gắn kết, Việt Nam cần đẩy mạnh việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn.

Ông Võ Tân Thành, Phó Giám đốc VCCI cũng cho biết, tham gia các hiệp định tự do thương mại là mở cửa thị trường và xu hướng tất yếu, những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các ngành hàng xuất khẩu phải cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Nếu công tác chuẩn bị không tốt, một số ngành kinh tế nước ta sẽ bị chết yểu trước sức tấn công của hàng hóa ngoại nhập. Theo đó doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, theo đúng thị hiếu của khách hàng, cung cấp hàng đúng vào thời điểm khách hàng cần, giá phải rẻ hơn các nơi khác. Đặc biệt là cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.

 Nhã Vy

 

 
Nên đọc