Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận, thời gian qua chương trình phát triển kinh tế số đã mang lại những hiệu quả tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc hỗ trợ các DN tham gia thương mại điện tử (TMĐT); hợp tác thỏa thuận về hỗ trợ DN CĐS được tỉnh thực hiện có hiệu quả... Qua đó, các DN trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng CĐS phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử...
Hình minh họa
Các ngành chức năng đã thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn và kích hoạt tài khoản bán hàng cho 95 đơn vị tham gia giới thiệu, bán sản phẩm với hơn 350 sản phẩm (trong đó 123 sản phẩm OCOP của 50 đơn vị) tham gia sàn giao dịch TMĐT tỉnh, đạt 100%, vượt 10% kế hoạch giao). Riêng từ năm 2023 đến nay, trên sàn có 260 tài khoản tham gia với 128 đơn đặt hàng, tổng giá trị giao dịch 52,969 triệu đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 876 DN đang hoạt động có đăng ký ngành nghề thuộc các loại hình sản xuất phần cứng, phần mềm, điện tử, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm công nghệ thông tin; 100% DN đã triển khai chữ ký số, phần mềm kế toán điện tử và các nền tảng số; 100% DN, hộ kinh doanh đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Thực hiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ 580 triệu đồng cho các DN đủ điều kiện.
Cục Thuế tỉnh đã triển khai thành công HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai kết nối thanh toán với các đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Tổng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh ước đạt 314.792 tỷ đồng/39.677.296 món, chiếm 70,07% trong tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng.
Trên 90% DN nhỏ và vừa của tỉnh được tiếp cận dùng thử các nền tảng CĐS, trên 30% DN nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng CĐS (có 3.235/6.066 DN nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh). Giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 15,2% tổng GRDP của tỉnh (tương đương 17.238/112.818 tỷ đồng).
Năm 2024, cùng với việc xây dựng kế hoạch hành động, triển khai thực hiện các chương trình kinh tế số, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế số; khảo sát CĐS cho DN, đánh giá mức độ CĐS trong DN, thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy CĐS đạt hiệu quả. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số; giới thiệu các mô hình CĐS thành công, các DN CĐS hiệu quả, tạo sự quyết tâm CĐS trong lãnh đạo DN; khuyến khích các DN phát triển các sản phẩm số, giải pháp dịch vụ công nghệ số...