Những nội dung nào sẽ được đề cập trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)?

(CL&CS) - Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành để đảm bảo tiến độ việc xây dựng luật.

Vừa qua, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phê duyệt Quyết định số 1732/QĐ-BTNMT về kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/9/2021, đồng thời thay thế cho Quyết định số 390/BTNMT-TCQLĐ ngày 5/3/2021. Về kế hoạch xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để thống nhất kế hoạch triển khai và và chuẩn bị các nội dung liên quan đến phân công nhiệm vụ, chủ trương, định hướng, đề cương dự thảo Luật để báo cáo Ban soạn thảo.

Sẽ có nhiều nội dung được đề cập trong Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới

Người đứng đầu Bộ TN&MT giao các nhóm chuyên môn chủ động đề xuất các nội dung trong hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như: Xây dựng báo cáo rà soát các luật có liên quan đến Luật Đất đai; xây dựng báo cáo đánh giá thủ tục hành chính; xây dựng báo cáo lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xây dựng báo cáo đánh giá tác động các chính sách sửa đổi, bổ sung.

Cuối tháng 10/2021, nội dung dự thảo luật Đất đai sửa đổi sẽ được Bộ TN&MT lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Sau đó, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022.

Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022 trước 15/4/2022.

Theo Bộ TN&MT, kế hoạch yêu cầu thành lập 8 nhóm để giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các nội dung như: Chỉ đạo, điều hành chung việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Tổ chức xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường, tác động về giới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)… Các nội dung sửa đổi của Luật chủ yếu bao gồm:

Đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước về đất đai; tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa luật Đất đai với các luật khác có liên quan.

Đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của luật Đất đai và các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai.

Ngoài ra Luật cũng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nạo, tố cáo, tranh chấp về đất đai; giám sát quản lý và sử dụng đất.

TIN LIÊN QUAN