Gần đây nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo khá khả quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Nhưng ở trong nước thì các dự báo đưa ra đều rất thận trọng và e rằng khó đạt mục tiêu. Ông dự báo thế nào về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương:
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục đà tăng trưởng từ quý IV/2020, cùng với sự nỗ lực của cả nước, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, và tăng trưởng kinh tế vẫn khả quanđạt mức tích cực với tốc độ tăng GDP quý I là 4,48% so với cùng kỳ năm 2020, . Đây là mức tăng trưởng cao hơn dự báo hồi tháng I nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01 và quý I của những năm trước đó.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% tại Nghị quyết 01/NQ-CP, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề, tăng trưởng các quý sau phải cao hơn kịch bản đã đề ra: quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19%; quý III cần tăng 6,78% và quý IV cần tăng 7,16%.
Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức vì tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đại đại dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành thương mại,dịch vụ du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống… Bên cạnh đó nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, vẫn còn những hạn chế và cũng đã có những điểm cần lưu tâm điều chỉnh.
Trước hết, tăng trưởng kinh tế quý I tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú, du lịch, vận tải, hàng không…
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu tập trung cao vào một số thị trường.
Một lưu ý nữa là nguồn vốn chưa tập trung để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực nhiều rủi ro. Bất chấp diễn biến của dịch bệnh, một số đối tượng môi giới đầu cơ, “thổi giá” tạo nên các cơn sốt, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh. Thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế.
Vướng mắc của nhiều doanh nghiệp tư nhân, FDI, đầu tư công chưa được quan tâm xử lý, tạo điều kiện để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng và để giải quyết những vấn đề của nền kinh tế ông vừa nêu?
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt và chủ động, mở rộng ở mức hợp lý. Bên cạnh đó cần tập trung theo dõi các thị trường tiềm ẩn nhiểu rủi ro, giám sát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán và BOT giao thông. Theo dõi sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành và các lĩnh vực quyết tâm thực hiện thành công kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Thúc đẩy phân bổ ngân sách và giải ngân đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng. Đồng thời với đó là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất – nhập khẩu, chú trọng phát triển thị trường trong nước và nghiên cứu đưa ra các chính sách kích cầu trong nước, kích thích tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước...
Đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Nhưng hết quý I mới giải ngân được 13,17% kế hoạch. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến gì để thúc đẩy giải ngân đầu tư công?
Với tiến độ giải ngân thấp ở quý I, thì áp lực giải ngân nhứng tháng rối rất lớn, nhiệm vụ của những tháng còn lại rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị người đứng đầu các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra, quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết kiến nghị cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ và các địa phương cần có Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, địa phương, xử lý triệt để các điểm “nghẽn” trong giải ngân, thúc đẩy tiến độ và rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Cảm ơn Thứ trưởng.