Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp nhưng tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6.
Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, điều này phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Trong đó, đầu tiên là tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm do các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến cầu tín dụng giảm.
Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Ngoài ra, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả dẫn đến TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Đặc biệt, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại.
Hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).
Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó nhu cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.
“Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm so với 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%. Diễn biến trên cho thấy, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án”, bà Giang cho hay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).
Ngoài ra, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Bà Giang cho hay trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận và tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngoài các giải pháp điều hành thường xuyên theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, NHNN đã đưa ra các giải pháp tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực như bất động sản, lâm sản, thủy sản,…
Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đồng hành cùng với doanh nghiệp.