TP. HCM chuẩn bị tháo dỡ cao ốc xây trái phép trong 18 năm tại quận giàu nhất thành phố
Tòa nhà Capital Palace Tower tại số 6 Thái Văn Lung, quận 1
Đầu tháng 12/2023, UBND quận 1 đã trao đổi với Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP về việc thu hồi nhà đất số 6 Thái Văn Lung theo kết luận Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND TP. HCM. Đồng thời UBND quận 1 cũng có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP. về việc cưỡng chế tháo dỡ cao ốc số 6 Thái Văn Lung.
Cao ốc 6 Thái Văn Lung (tên gọi khác là tòa nhà Capital Palace Tower) xây dựng gồm: Hầm + trệt + lửng + 10 lầu + sân thượng, tổng diện tích sàn khoảng 7.122m2.
Được biết, khu đất số 6 Thái Văn Lung là đất công do TP. HCM cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP. thuê. Công ty này cho Hãng phim truyện Việt Nam (CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam) thuê lại.
Sau đó Hãng phim truyện Việt Nam để Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Sài Gòn sử dụng đất và xây dựng cao ốc không phép vào năm 2005. Hiện, chủ đầu tư này quản lý, sử dụng và cho nhiều công ty, doanh nghiệp khác thuê làm văn phòng làm việc.
Lộ diện vị trí dự kiến xây sân bay thứ 2 tại TP Hà Nội
UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình gửi HĐND thành phố để xem xét, thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065.
Cụ thể, Đồ án đã thể hiện những mục tiêu, quan điểm, định hướng tổng thể và các giải pháp trọng tâm phát triển Thủ đô. Trong đó, thể hiện tính chất liên kết vùng, quốc tế của Thủ đô; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía Bắc, phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng các trục không gian của thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường vành đai 4… Đặc biệt, đồ án cũng định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo định hướng quy hoạch, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc- Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt Thống nhất Bắc-Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam, thuộc địa bàn một số xã của huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội).
Hà Nội tái khởi động dự án đường vành đai 1 hơn 7.000 tỷ "treo" 6 năm
Cũng trong tháng 12/2023, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội Đỗ Việt Hưng đã ký quyết định về việc phê duyệt lựa chọn nhà thầu một số gói thầu trên địa bàn.
Cụ thể, gói thầu số 18A: Thi công xây dựng đường, lý trình Km 0+542,53 đến Km 2+816,2. Gói thầu bao gồm nút giao thông khu vực cầu vượt Láng Hạ - Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh và tổ chức giao thông nút Hoàng Cầu, nút Voi Phục... thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, TP. Hà Nội.
Thời gian thực hiện hợp đồng 13 tháng. Gói thầu sẽ đóng thầu vào 14h10 ngày 21/12/2023. Như vậy sau 6 năm dự án mới có thể khởi động mời thầu xây dựng tuyến đường.
Được biết, dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2017.
Thừa Thiên Huế đấu giá đất “vàng” dọc sông Hương, giá khởi điểm 824 triệu đồng
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng khu đất tại số 5, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế (phần đất tiếp giáp giữa khách sạn Azerai La Residence với đường quy hoạch 11,5m dọc bờ sông Hương).
Tổng diện tích khu đất là 8.012m2, nằm ở trung tâm TP. Huế, có vị trí bên bờ Nam sông Hương, tiếp giáp sông Hương, phù hợp cho việc kết nối các cơ sở phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch; có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, có hệ thống điện, hệ thống nước và đã lắp đặt đường ống thoát nước thải.
Mục tiêu của việc đấu giá là kêu gọi đầu tư dự án trên khu đất nhằm chỉnh trang cảnh quan bờ sông Hương, xây dựng khu dịch vụ du lịch cao cấp (không có lưu trú), hài hòa với khu vực lân cận, tạo điểm nhấn bên bờ Nam sông Hương.
Thời hạn sử dụng đất: 10 năm kể từ ngày có Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
'Ông lớn' Hàn Quốc rót 720 triệu USD xây nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đặt tương lai 100 năm tại Việt Nam
Tập đoàn Hyosung đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với dự án nhà máy sợi carbon tại khu công nghiệp Phú Mỹ II. Dự án này có tổng vốn huy động dự kiến 540 triệu USD (hơn 13.000 tỷ đồng), với giai đoạn 1 khoảng 120 triệu USD (hơn 2.900 tỷ đồng).
Sau khi khảo sát, Tập đoàn Hyosung quyết định đầu tư dự án có quy mô lớn tiếp theo tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là nhà máy sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô, với trị giá khoảng 720 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2. Đây là một trong những dự án đầu tiên không chỉ của Hyosung, mà còn của thế giới sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất loại nguyên liệu này.
Đại diện Tập đoàn Hyosung đã có một số đề xuất về việc nhập khẩu và xây dựng nguồn nguyên liệu; đào tạo nguồn lao động; xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu từ kho chứa của Hyosung đến nhà máy sản xuất…
Tập đoàn trúng gói thầu lớn nhất sân bay Long Thành muốn tham gia vào loạt dự án giao thông trọng điểm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo tập đoàn IC Holdings nhân chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Việt Nam, IC Holdings đang tham gia liên danh Vietur thực hiện gói thầu xây dựng và lắp thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành với giá trị 35.000 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn nhất trong đại dự án sân bay Long Thành.
Thông tin với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Ibrahim Cecen, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, và ông First Cecen, Chủ tịch Công ty Xây dựng IC ICTAS, đã cập nhật tình hình triển khai các hoạt động tại Việt Nam.
Cụ thể, về tiến độ gói thầu nhà ga Long Thành, lãnh đạo IC Holdings cho biết rất hài lòng với công việc đang triển khai tại Việt Nam và sẽ tiếp tục làm ăn lâu dài. IC Holdings cũng đang quan tâm tới nhiều dự án khác tại Việt Nam như đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến metro số 4 tại TPHCM, tuyến metro số 5 tại Hà Nội…
Ảnh minh hoạ
Tập đoàn lớn của Pháp 'rót' hơn 55 triệu USD cho một dự án tại Bắc Ninh
Ngày 13/12 vừa qua, Tập đoàn Idec của Pháp thông qua công ty con là Idec Group Asia Việt Nam đã khởi công dự án Horizon Park tại Bắc Ninh.
Theo đó, dự án được phát triển trên khu đất rộng 12ha, Horizon Park trong tương lai sẽ nằm giữa những khu công nghiệp và các nền tảng kinh tế hấp dẫn, cung cấp mặt sàn 70.000m2 với mục đích cho thuê hoặc bán.
Không gian được chia nhỏ thành 26 phòng với diện tích mỗi phòng khoảng 2.500m2 đáp ứng tiêu chuẩn hậu cần kho bãi tương đương với hạng A của Châu Âu như: khả năng chịu tải sàn 5 tấn/m2, chiều cao không gian tĩnh gần 11m và được bố trí cơ sở vật chất đủ điều kiện phục vụ (sàn nâng tự động, cửa trượt, hệ thống báo cháy…).
Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 đã xây dựng xong và đi vào hoạt động từ tháng 6/2023; 3 hợp phần còn lại dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động từ quý I/2025. Đây là dự án lớn nhất của Idec Group Asia tại Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 55 triệu USD.
Hà Nội chuẩn bị xây cầu hơn 8.000 tỷ nối thông Đại lộ Thăng Long qua Đông Anh
Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án vốn đầu tư công của thành phố.
Theo đó, đối với các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư sử dụng ngân sách cấp thành phố, HĐND TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 5 dự án lĩnh vực giao thông (1 dự án nhóm A và 4 dự án nhóm B) với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.878 tỷ đồng, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố dự kiến 150 tỷ đồng.
Trong đó, dự án nhóm A là cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu được điều chỉnh chủ trương đầu tư với nội dung tách thành các dự án thành phần, không có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025.
Dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5,22km. Trong đó, chiều dài cầu 4.060m, rộng 50-60m, với 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.298 tỷ đồng. Dự án nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, Hà Nội.
Vì đâu tuyến đường ven biển gần 4.000 tỷ đi qua Hải Phòng, Thái Bình đang xây lại dừng?
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BOT) được nhà đầu tư triển khai từ năm 2018 dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành. Gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, dự án được gia hạn thời gian hoàn thành vào cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, tới nay dù đã quá hạn, dự án mới hoàn thành gần 70% giá trị và đang phải thi công cầm chừng chờ "giải cứu".
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài gần 30km. Trong đó, 20,7km của tuyến đi qua 3 quận, huyện: Đồ Sơn, Tiên Lãng và Kiến Thụy (TP.Hải Phòng); 9km qua địa bàn huyện Thái Thụy (Thái Bình).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.768 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước là 720 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hải Phòng
'Ông lớn' quen mặt ngành cầu đường trúng gói thầu thi công cầu Yên Sở nối Vành đai 3
Gói thầu 02-XL đoạn thi công xây dựng phần tuyến và cầu Yên Sở đoạn Km1+073 đến Km2+350 vừa được đấu thầu thành công do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là gói thầu thuộc quy mô dự án đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 trên cao. Gói thầu được thực hiện theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ với tổng vốn đầu tư 623 tỷ đồng.
Kết phiên thầu, liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Đức Phúc Phú Thọ là đơn vị trúng thầu công trình với giá trúng thầu là 622,7 tỷ đồng. Liên danh này cũng là nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu dự án.