Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị quản lý, vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông) vừa thông tin về kết quả vận hành của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước sau 2 năm.
Theo đó, tàu Cát Linh - Hà Đông bắt đầu đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2021 và hết bảo hành từ 6/11/2023.
Tàu Cát Linh - Hà Đông
Từ tháng 11/2023 đến nay, các đoàn tàu được đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ lái tàu của Công ty Hanoi Metro quản lý và vận hành.
Về kết quả vận hành, ông Trường cho biết, đến hết năm 2023 (sau 26 tháng vận hành) tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách (trung bình mỗi năm có gần 10 triệu lượt khách đi tàu) với 3 kỷ lục được xác lập:
Thứ nhất, trong ngày mùng 2/9/2023 tàu đã vận chuyển được số lượng khách cao nhất lên tới 5,6 vạn.
Thứ hai, trong một ngày làm việc, không phải ngày nghỉ lễ (tức ngày 28/9/2023) tàu đã vận chuyển được 37 nghìn lượt hành khách.
Thứ ba, trong tháng 9, tàu đã vận chuyển được con số trên 1 triệu lượt hành khách.
Theo nguồn tin từ Vietnamplus, Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường khẳng định, sau 2 năm vận hành, tàu Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, văn minh và hiện đại, giúp thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông.
“Trước đây khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ để xe máy, xe đạp thì nay nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ với cự ly từ 1-2km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị,” ông Trường nêu dẫn chứng.
Thông tin về lưu lượng khách đi tàu hằng ngày, lãnh đạo Hanoi Metro cho hay: Khi mới vận hành, vào các ngày cuối tuần, tàu vận chuyển được trên dưới 30 nghìn hành khách. Hiện tại, con số này từ 22.000-24.000 hành khách. Tuy nhiên, vào các ngày làm việc, lượng hành khách dao động trong khoảng 35.000-36.000.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) gồm: vốn vay của Chính phủ Trung Quốc tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam tương đương 198,42 triệu USD.
Dự án có tổng chiều dài 13km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80km/h. Kế hoạch ban đầu là xây dựng trong 5 năm, sẽ hoàn thành vào năm 2013, được khởi công từ tháng 10/2011 và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.
Dự án được Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều lần trễ hẹn do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ngày 6/11/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải chính thức bàn giao cho TP. Hà Nội đưa vào vận hành sau 10 năm khởi công xây dựng.