Nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp

(CL&CS) - Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, ngành ngân hàng liên tục có các chính sách hỗ trợ khơi thông nguồn vốn như: ngay từ giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, tính đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022. So với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, trong 2 tháng cuối năm, các ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng gần 7%.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, ngành ngân hàng liên tục có các chính sách hỗ trợ khơi thông nguồn vốn như: ngay từ giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%; ban hành Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; 4 lần giảm lãi suất điều hành…

"Hiện lãi suất cho vay đã về bằng so với trước Covid-19, thậm chí thấp hơn 0,3%", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Mức lãi suất vay phổ biến hiện nay khoảng 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn; 9-10,5%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Có doanh nghiệp nhựa, dệt may được vay ngắn hạn với mức lãi suất 5,5-5,8%/năm.

Hàng loạt chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng được ngành ngân hàng triển khai, như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở với công nhân và người thu nhập thấp, hay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ngành thủy sản.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, chưa bao giờ ngành ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi với lãi suất thuộc nhóm thấp nhất lịch sử như hiện nay. Với mặt bằng hiện tại, lãi suất huy động lẫn cho vay khó có thể giảm sâu thêm. Do đó, vấn đề của tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm không nằm ở chiều cung, mà là ở phía cầu.

Cụ thể, nền kinh tế hiện rơi vào nghịch lý: nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay vì không có đơn hàng, tình hình sản xuất khó khăn; trong khi đó, một số doanh nghiệp muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện.

Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia cho rằng rào cản lớn trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp là ngân hàng không chấp nhận hàng tồn kho là tài sản đảm bảo, trong khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, đơn hàng giảm. Vì thế, hầu hết doanh nghiệp chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn, còn điều kiện vay trung, dài hạn ngặt nghèo, thủ tục phức tạp.

TIN LIÊN QUAN