Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Quyết định này nhằm mục đích mở rộng tín dụng song song với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng TMCP quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất.
Thực hiện kịp thời các chủ trương của NHNN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) triển khai giảm lãi suất cho vay từ 1,5% đến 2,5%/năm nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dịp Tết. Đây cũng là một trong những hoạt động kịp thời của ngân hàng nhằm đồng hành cùng NNNH thực hiện các chủ trương trên.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, một số gói sản phẩm cho vay trung và dài hạn, Nam A Bank giảm từ 1,8 - 2,7%/năm. Trong khi đó đối với khoản vay ngắn hạn ở kỳ đầu tiên, Ngân hàng sẽ giảm lãi 1,5%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), từ tháng 12/2022 đến hết 31/3/2023, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi ở mức 8,99%/năm. Riêng đối với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất đã có giấy chứng nhận, OCB hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 11,99%/năm. Tổng gói tín dụng dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm 1%/năm cho lãi vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, với hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) dành 120 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Hay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết, đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
Đối với khối ngân hàng có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm thêm 2% lãi suất cho vay doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm tiếp sức, đồng hành cùng doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phục hồi nước rút.
Mức ưu đãi lãi suất áp dụng cho cả khoản vay bằng VND và USD kỳ hạn đến 6 tháng phát sinh mới từ nay đến hết ngày 28/02/2023.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của tất cả các ngân hàng đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022. Điều này tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.
Vì thực tế này, vừa qua VNBA đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại cuộc họp mới đây, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã quán triệt các ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ.