Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng năm 2024 đã khai mạc vào ngày 23/3 và kéo dài đến hết ngày 25/3. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống và thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân địa phương.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm dự lễ khai hội
Lễ hội được tổ chức tại Đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Đình Bát Tràng là nơi thờ 6 vị thần có công trong việc giúp dân giữ nước, gồm: Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng, Tràng Thuận Nghi Dung, Cai Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương, Hồ Quốc Thần Đại Vương.
Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm – di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, Bát Tràng còn được biết đến như một ngôi làng mang những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa qua các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo…của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi.
Tất cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đó sẽ được tái hiện trong những ngày hội làng được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25 tháng 3 năm 2024 tại Đình Bát Tràng.
Những nét độc đáo tại Lễ hội làng gốm cổ Bát Tràng:
Lễ dâng hương của người dân trong làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa” “Quốc thái dân an”,“ Dân sinh an lành hạnh phúc “ Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường khối đại đoàn kết”…
Mâm lễ được người dân dâng vào bên trong Đình làng để tế thành Hoàng làng có 6 lễ trong đó có 3 lễ chính gồm 1 con trâu tơ thui béo, 1 con dê thui béo, 1 con heo sữa quay.
Sau khi dân làng dâng lễ xong, hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ
Lễ rước nước là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, phần nghi lễ được thực hiện nghiêm trang.
Chủ tế lễ sau khi dâng lễ lên thần sông sẽ đại diện dân làng xin nước thiêng từ sông Hồng và lọc qua tấm vải đỏ để rước nước về Đình cổ Bát Tràng
Còn đoàn rước bộ dâng hương tại Kim Trúc Tự, nhà thờ Bác Hồ, đền Mẫu Bản Hương.
Hội làng cũng là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc Thánh Thần, Thành hoàng Làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp văn minh.