Nhân viên bán lẻ cần được tiêm vaccine sớm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng

(CL&CS) - Tình hình dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh đang diễn biến rất căng thẳng và phức tạp, có nguy cơ lây lan vào các hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất.

Thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa liên tục, lực lượng nhân viên tại các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng và hệ thống bán lẻ rất cần được ưu tiên tiêm vaccine.

Chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa, áp lực cung ứng hàng hóa dồn lên siêu thị

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức và hơn 1 nửa số chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Áp lực hàng hóa dồn lên siêu thị.

Thành phố giao Sở Công thương đẩy mạnh tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đang ngày đêm dốc toàn lực để cung ứng đầy đủ và thường xuyên nhu yếu phẩm, đảm bảo hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu đối mặt nhiều khó khăn  

Theo Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi, với đặc thù ngành, các mặt hàng thịt tươi sống giết mổ hàng ngày (bao gồm thịt gia súc, thịt gia cầm) đều được doanh nghiệp nuôi và giết mổ từ các cơ sở ở tỉnh lân cận nên phụ thuộc rất lớn vào khâu vận chuyển từ các tỉnh về TP.HCM. Nếu khâu vận chuyển bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm. Tại các chốt kiểm dịch, tài xế vận chuyển hàng hóa được yêu cầu xuất trình giấy phép lưu hành của các cơ quan chức năng cấp và chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 trong thời hạn 3 ngày.

Công tác lưu thông hàng hoa khó khăn.

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc vận hành VinMart Miền Nam chia sẻ: “Do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian nên đây là nguyên nhân gây khó khăn chính cho công tác lưu thông hàng hoá. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TP HCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị lưu giữ lại các chốt kiểm dịch.”

Ngành sản xuất, chuỗi bán lẻ chịu nhiều rủi ro nếu không được tiêm vaccine ngừa Covid-19

Đại diện một doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp này đang vô cùng lo ngại trước nguy cơ suy giảm lao động nếu diễn biến dịch thêm phức tạp. “Dù Hải Phòng chống dịch tốt, ít ca nhiễm, nhưng công ty chúng tôi cũng có khoảng 5% lao động nghỉ việc do lo sợ bị nhiễm Covid-19. Vì xưởng sản xuất luôn tập trung đông công nhân, dễ lây nhiễm. Chúng tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng được tự bỏ tiền tiếp cận nguồn vắc xin, hoặc thuê tiêm dịch vụ cho công nhân… để đảm bảo sản xuất, nhưng được trả lời là cứ chờ đã. Công ty rất lo lắng và thực ra không có phương án khác đối phó tình trạng công nhân nghỉ hàng loạt nếu dịch lan rộng” - đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Nhân viên các hệ thống bán lẻ trong mùa dịch.

Nhân viên của các hệ thống bán lẻ và công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng vẫn phải làm việc ngày đêm để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào dù họ đang là người phải đối mặt với nguy cơ nhiễm Covid-19 rất cao.

Tuy nhiên theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 8/7 về Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 – 2022, nhóm nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm không nằm trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu. Điều này gây nên sự bất cập và có thể là “lỗ hổng” trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt tại các đô thị lớn, mật độ dân số dày đặc như TP HCM, Hà Nội, nhu cầu tiêm vaccine cho nhân viên tuyến đầu lại càng cấp thiết hơn, chủ một doanh nghiệp cho biết.

Masan - tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ hiện đại lớn nhất cả nước có gần 30 nhà máy, tổ hợp chế biến thực phẩm, và hơn 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+. Hiện có gần 40.000 nhân viên của tập đoàn này đang làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân. Đây là những người lao động tuyến đầu chống dịch và có mức tiếp xúc cao với cộng đồng, nguy cơ phơi nhiễm cao. “Chúng tôi  kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này. Bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng là góp phần bảo vệ chuỗi cung ứng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống lây lan dịch bệnh”, đại diện Masan chia sẻ.

Công nhân nhà máy của Massan tuân thủ tuyệt đối quy định 5K.

Trong khi chờ đợi nguồn vaccine, hệ thống bán lẻ và các nhà máy của Masan trên cả nước đã thực hiện tuân thủ tuyệt đối quy định 5K phòng dịch. Tại các nhà máy, công ty đã thiết lập điểm chốt phòng, chống dịch. Người vào công ty đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử trùng và được yêu cầu đeo khẩu trang đúng cách… Các loại phương tiện vào công ty cũng được xịt khử khuẩn nghiêm ngặt. Tại hệ thống bán lẻ, nhân viên tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch và được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Tất cả khách hàng trước khi vào siêu thị mua sắm đều được hướng dẫn rửa tay khử khuẩn, đo thân nhiệt ngay tại cổng vào và tuân thủ giãn cách.

TIN LIÊN QUAN