Thời gian qua, khá nhiều bức xúc về việc tiền điện tăng cao bất thường và cả nhầm lẫn khó tin về tiền điện đã xảy ra ở nhiều nơi. EVN cùng các thành viên đã nhận lỗi về những sai sót ở một vài nơi nhưng người tiêu dùng vẫn đang tự hỏi nhầm lẫn từ đâu.
Ngoài lý giải do chập, chạm điện dẫn đến sai số hay do nắng nóng, bụi bẩn bám khiến nhân viên ghi nhầm số thì việc dùng điện kế cơ khí cũng có thể dẫn đến sai số.
Theo EVN hiện cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện nhưng mới có 54% dùng điện kế điện tử, loại cho phép ghi số điện tự động. Với điện kế điện tử, việc ghi chỉ số điện được thực hiện tự động bằng thiết bị đo xa và đo gần.
Cách thức công tơ điện tử đo xa thì hàng ngày dữ liệu sử dụng điện của hộ gia đình sẽ được truyền trực tiếp về máy chủ trung tâm dữ liệu và người sử dụng điện có thể tra cứu sản lượng dùng trên website chăm sóc khách hàng của tổng công ty điện lực các khu vực. Người dùng đăng nhập bằng mã khách hàng là số hợp đồng mua bán đã ký với ngành điện và nhập mật khẩu để theo dõi chỉ số hàng ngày.
Còn điện kế điện tử đo gần, chỉ số sẽ đo đếm vào ngày cố định hàng tháng thông qua thiết bị đo xa HHU. Công nhân điện lực phải tới gần điện kế và thu thập dữ liệu qua thiết bị này, dữ liệu sau đó được truyền về máy chủ.
Sở dĩ có loại "đo xa" và "đo gần", theo giải thích của EVN là tùy công nghệ đi kèm của loại điện kế điện tử nhập về theo từng giai đoạn, thời kỳ. Tuy nhiên, dù công nghệ nào thì với loại điện kế điện tử này, công nhân điện lực không phải ghi hay sao chép thủ công số điện.
Riêng điện kế cơ khí, công nhân điện lực phải trực tiếp ghi chỉ số bằng ảnh chụp qua camera, truyền vào phần mềm máy tính bảng. Ảnh chụp này hiển thị rõ ngày, giờ thu thập dữ liệu.
Sau khi công nhân thu thập được sẽ được nhập lên phần mềm quản lý, bộ phận điều hành sẽ xuất toàn bộ bảng kê điện kế, trường hợp bất thường sẽ gửi về đội quản lý điện lực để phúc tra. Hoàn tất phúc tra, đội quản lý xác nhận số liệu và phòng kinh doanh các công ty điện lực ký bảng kê, lập hoá đơn trên phần mềm (CMIS).
Lập hóa đơn xong, công ty điện lực sẽ gửi tin nhắn SMS tới toàn bộ khách hàng số tiền phải trả trong tháng và các khách hàng có sản lượng điện sử dụng tăng bất thường từ 1,3 lần trở lên để đối chiếu, tra soát.
EVN khẳng định, trách nhiệm và quan hệ giữa các bộ phận trong dây chuyền (ghi chỉ số, kiểm tra, phúc tra chỉ số điện kế, lập hoá đơn tiền điện, thu tiền điện, giải quyết khiếu nại...) độc lập, được phân cấp và giao nhiệm vụ cụ thể với từng bộ phận.
Với toàn bộ quá trình ghi, đo đếm chỉ số điện kế như trên, theo lý thuyết thì cực kì khó có kẽ hở với quy trình này vì người ghi số độc lập với người nhập dữ liệu vào hệ thống, bộ phận lập, in hoá đơn...
Nhưng vẫn xảy ra những sai sót trong khâu ghi, đo đếm chỉ số điện kế tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM... khiến hoá đơn tiền điện khi tới tay khách hàng tăng vọt, thậm chí vài chục lần so với tháng trước đó.
Giải thích điều này, điện lực địa phương cho hay đã chuyển đổi sang điện kế điện tử thì sai số của loại điện kế này rất thấp. Nhưng sai sót vẫn có thể xảy ra với khu vực vẫn sử dụng điện kế cơ, tức là dữ liệu ghi chỉ số được nhân viên điện lực thực hiện thủ công.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia ngành điện nhận định cách tính bậc thang và ngày chốt có thể khiến tiền điện tăng vọt. Kỳ ghi chỉ số hoá đơn là 30 ngày, ngành điện phải tuân thủ đúng 30 ngày, sai lệch 1-2 ngày thì người tiêu dùng sẽ phải trả ở bậc thang giá cao cho các số điện trong khoảng thời gian này. EVN cho rằng khi chuyển sang điện kế điện tử, đo đếm từ xa và tự động, các sai sót sẽ được khắc phục
Lộ trình từ nay đến năm 2025, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và địa bàn quản lý của Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ được thay thế sang 100% điện kế điện tử. Điện lực miền Bắc và miền Nam sẽ thay thế 100% điện tử ở các thị trấn, thị xã; còn các khu vực khác là 50%. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng có thể lắp thêm một công tơ riêng bên cạnh công tơ của ngành điện, để giám sát việc ghi chỉ số điện hàng tháng.
Phan Hùng