Nhà thờ gỗ trăm tuổi đẹp nhất Tây Nguyên rộng 700m2, là kiệt tác kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn tồn tại trên thế giới

Toàn bộ kết cấu của nhà thờ đều làm bằng gỗ và kết dính bằng mộng mà không hề sử dụng đinh.

Nhà thờ chánh tòa Kon Tum, hay còn gọi là nhà thờ gỗ Kon Tum toạ lạc tại số 13 đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum là nhà thờ đẹp nhất Tây Nguyên - một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua nếu như có dịp đến thăm vùng đất đại ngàn.

Đây không chỉ là một công trình kiến trúc tôn giáo bằng gỗ vô cùng độc đáo với hơn 100 năm lịch sử mà còn là kiệt tác kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica còn tồn tại duy nhất trên thế giới, xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác các công trình kiến trúc Công giáo bằng gỗ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Theo tư liệu lịch sử, từ giữa thế kỉ 19, theo bước chân của các nhà truyền giáo phương Tây, đạo Công giáo bắt đầu có mặt ở Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum. Thuở sơ khai, các cơ sở thờ tự ở xứ này đa phần đều có quy mô nhỏ, được làm bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá... Mãi về sau, khi giáo dân đông lên người ta mới tính tới chuyện xây cất những ngôi nhà thờ lớn, trong đó có nhà thờ gỗ Kon Tum.

Nhà thờ gỗ Kon Tum được linh mục Joseph Décrouille, phụ trách xứ đạo Kon Tum, chủ trì khởi công vào trung tuần tháng 3 năm 1913 và hoàn hành vào đầu năm 1918. Quá trình xây dựng nhà thờ trải qua nhiều gian nan vất vả, thậm chí có lúc bị đình trệ do đúng vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra. Trước đó người ta cũng đã phải mất tới 3 năm để chuẩn bị, bắt đầu bằng việc thuê thợ giỏi vào rừng đốn gỗ rồi dùng voi kéo về, sau lại cho người về xuôi đến các vùng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... tìm thợ giỏi lên để xây dựng.

Về mặt tổng quan, nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà sàn của người Ba Na bản địa. Đây được coi là đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên.

Có diện tích lên đến 700m2, nhà thờ gỗ Kon Tum là một "đại công trình" khép kín gồm giáo đường, nhà khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm... của đồng bào dân tộc.

Nhìn bên ngoài, công trình là một khối nhà cao lớn uy nghiêm nổi bật với gam màu sẫm vì thời gian của gỗ và ngói. Mặt tiền nhà thờ có một tháp chuông 4 tầng cao 24m nằm chính giữa tạo sự hài hòa, cân đối cho toàn bộ công trình.

Hành lang hai cánh rộng và dài, các mái nhô cao và dốc như kiểu mái nhà rông của người Ba Na được đỡ chắc chắn bằng hàng cột gỗ tròn. Bên trong thánh đường dường như là một thế giới khác hẳn với kết cấu mái vòm dài, cao vút, thoáng đạt và ngập tràn ánh sáng khiến cho người xem thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hoành tráng và lộng lẫy.

Những hàng cột cao 12m đặt vững chắc trên chân đế bằng đá vươn lên nâng đỡ toàn bộ mái vòm chính giữa và trần hành lang hai cánh không chỉ tạo sự bề thế cho công trình mà còn gợi cảm giác rộng mở không gian về các phía.

Trải qua hơn 100 năm lịch sử, nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn vững bền với thời gian và dường như ngày càng đẹp hơn bởi vẻ cổ kính và lộng lẫy hiếm có của mình. Đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum, du khách không chỉ được biết thêm về lịch sử của nhà thờ chánh tòa Giáo phận Kon Tum, một trong 27 giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam, và là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên, mà còn được chiêm ngưỡng một trong những kiệt tác bằng gỗ về công trình kiến trúc Công giáo ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Nhà thờ mở cửa quanh năm cho mọi người, bất kể tôn giáo, vào tất cả các ngày trong tuần trừ buổi tối. Nếu đến thăm nhà thờ gỗ vào ngày Chủ nhật, du khách sẽ phải đợi sau 9 giờ mới được vào để tránh ảnh hưởng đến buổi lễ của đồng bào Công giáo nơi đây.

Không chỉ là nơi giáo dân cầu nguyện, nhà thờ gỗ còn là điểm đến, điểm nghỉ chân của rất đông người dân Kon Tum. Đặc biệt, ở đây còn có một phiên chợ nhỏ bày bán các sản phẩm thủ công từ các buôn làng trong vùng.

TIN LIÊN QUAN