Ngôi nhà cổ thuộc đất Tây Đô, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá là ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng, đại diện cho đời thứ 7 của dòng họ Phạm, nằm, cách di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ khoảng 200m. Theo lời kể của ông Tùng, ngôi nhà này được xây dựng vào năm 1810, trong thời kỳ cụ Tổ của gia đình đang giữ chức quan hàng Bát phẩm tại triều đình nhà Nguyễn.
Ông Tùng cho biết, khi xây dựng ngôi nhà, cụ Tổ của ông đã cất công mời nhóm thợ giỏi nhất của Nam Hà cũ (nay là tỉnh Hà Nam) và nhóm thợ mộc làng Đạt Tài (nay là xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về thi công ngôi nhà.
Nhà có 7 gian bằng gỗ, rộng 7 m, dài 20 m, nằm hướng Nam chếch Đông. 3 gian giữa dùng để thờ tổ tiên và tiếp khách. Hai bên hai buồng, mỗi buồng 2 gian được xây dựng theo lối lộn thềm, cửa bức bàn, vật liệu gồm nhiều loại gỗ quý, chủ lực là sến, táu, lát. Kiến trúc ngôi nhà theo kiểu chồng rường kẻ chuyền và chồng rường kẻ bảy, các chi tiết được liên kết chặt chẽ theo mộng, mẹo, khi gặp sự cố có thể dễ dàng bỏ phần khung để phục dựng, duy tu.
Ngôi nhà có chín mắt cửa. Trên mỗi mắt cửa đều có hoa văn và bố trí không đều nhau. Theo chủ nhân ngôi nhà, các mắt cửa được tính toán chính xác để đón khí cho ngôi nhà. Với lối kiến trúc độc đáo này, căn nhà luôn thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Đặc biệt, hầu hết khung nhà, cột, kèo, chèo, cửa,... được làm bằng những loại gỗ quý lúc bấy giờ như xoan, sến, táu. Trong đó, gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất bởi đặc tính nhẹ và ít mối mọt. Kiến trúc của ngôi nhà theo kiểu chồng rường kẻ truyền, chồng rường kẻ bảy mang đặc trưng của kiểu nhà Bắc Bộ thời bấy giờ. Tiết tấu hoa văn gồm tứ linh là long - ly - quy - phượng và tứ quý gồm tùng - cúc - trúc - mai. Theo quan điểm của người xưa, việc trang trí họa tiết theo tứ linh và tứ quý ngụ ý chỉ sự hòa hợp giữa đất trời, cũng là sự trường thọ bền vững, cao sang và an lạc.
Trải qua thời gian, một số hạng mục của ngôi nhà đã bị xuống cấp. Tháng 9/2002, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp, trùng tu trên nguyên tắc đảm bảo tính nguyên bản. Sau thời gian trùng tu, ngôi nhà được UNESCO công nhận là một trong 10 nhà cổ dân gian có kiến trúc tiêu biểu nhất của Việt Nam.
Đã trải qua hơn hai thế kỷ, với nhiều sự biến động do thời gian, khí hậu và các biến cố khác, ngôi nhà vẫn được bảo tồn một cách gần như nguyên vẹn và hiện đang trở thành điểm tham quan du lịch phổ biến được ưa chuộng của cả du khách trong nước và quốc tế.