Theo CNN, trong vòng 24 giờ 26 phút, không dừng lại để ngủ, Phunjo Lama (người Nepal) đã phá kỷ lục thế giới cho chuyến leo núi Everest nhanh nhất bởi một phụ nữ.
Chuyến hành trình của cô từ Trại Căn cứ Everest đến đỉnh mất 14 giờ 31 phút, sau đó là 9 giờ 18 phút để xuống núi. Cô khởi hành từ Trại Căn cứ vào lúc 3:52 chiều ngày 23 tháng 5, và đến đỉnh vào lúc 6:23 sáng hôm sau.
Do mùa leo núi ngắn và điều kiện khắc nghiệt trên Everest, thời gian để chinh phục đỉnh núi rất hẹp. Hàng năm, những bức ảnh cho thấy hàng dài người leo núi chờ đợi để có cơ hội lên đến đỉnh, với "tắc nghẽn giao thông" đôi khi kéo dài hàng giờ.
Leo núi qua đêm giúp Lama tránh được đám đông lớn, cô chia sẻ với CNN. Cô ước tính rằng từ ngày 21 đến 22 tháng 5 có khoảng 6,700 người giữa Trại Hai và Trại Bốn. Sáng ngày 24, cô chỉ đứng sau “khoảng 60 đến 70 người”.
Kỷ lục leo nhanh nhất được tính từ Trại Căn cứ do cần phải thích nghi với độ cao khắc nghiệt. Lama đã ở đó ba tuần trước khi thực hiện hành trình lên đỉnh, cùng với đối tác leo núi Samantha McMahon, người đang đặt mục tiêu trở thành phụ nữ Úc đầu tiên leo lên tất cả các đỉnh núi cao trên 8.000 mét trên thế giới.
Theo sách Kỷ lục Guinness Thế giới, Lama đã lập kỷ lục Everest đầu tiên của cô vào năm 2018 với thời gian 39 giờ 6 phút. Kỷ lục đó bị phá vỡ vào năm 2021 bởi Ada Tsang từ Hồng Kông với thời gian 25 giờ 50 phút. Đây là lần thứ hai Lama leo lên Everest.
Hiện tại, kỷ lục leo nhanh nhất bởi một người đàn ông là 10 giờ 56 phút, do Lhakpa Gelu Sherpa người Nepal lập vào năm 2003.
Mặc dù đạt được thành tựu này, Lama nói rằng cô không ám ảnh về việc theo đuổi kỷ lục hay được Guinness công nhận. Cô cho biết có người khác đã liên hệ với công ty ghi nhận kỷ lục thay cho cô vào năm 2018.
Dù không biết leo núi là một nghề, Lama đã sống phần lớn cuộc đời ở độ cao 4.500-5.000 mét so với mực nước biển. Cô lớn lên trong một cộng đồng chăn nuôi yak ở Thung lũng Tsum xa xôi của Nepal, nói một phương ngữ địa phương. Chỉ khi cô chuyển đến Kathmandu ở tuổi thiếu niên, cô mới học nói tiếng Nepal và sau đó là tiếng Anh.
"Núi là sân chơi và ngôi nhà của tôi," cô nói với CNN - "Núi không bao giờ nói bạn là phụ nữ hay đàn ông. Đó là lý do tôi thích núi, vì núi luôn bình đẳng".
"Leo núi bình đẳng" cũng là một phần công việc cà ước mơ của Lama. Hướng dẫn viên leo núi này nói rằng hiện tại khách hàng của cô khoảng 75% là nam và 25% là nữ, nhưng cô mong muốn tỉ lệ này sẽ trở thành 50-50 một ngày nào đó.
"Tôi chắc chắn giấc mơ của tôi sẽ thành hiện thực", cô nói.
Lama đã leo lên đỉnh Denali ở Alaska, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ, và hy vọng sẽ chinh phục K2 ở Pakistan, đỉnh núi cao thứ hai thế giới.
Mùa leo núi 2024 đã mang lại nhiều thay đổi cho đỉnh núi cao nhất thế giới. Lần đầu tiên, tất cả những người leo núi đều được trang bị chip theo dõi để dễ dàng tìm và cứu hộ nếu ai đó bị lạc.
Họ cũng được yêu cầu giữ lại chất thải trong túi nhựa và mang chúng ra khỏi núi. Rác thải, bao gồm cả chất thải con người, đã trở thành một vấn đề đáng kể khi số lượng người leo núi Everest ngày càng tăng.
*Theo CNN