Người làm nên "sự kiện lớn lao trong lịch sử Sorbonne”
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1908 (một số tài liệu ghi năm 1905), quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).
Năm 18 tuổi, ông đã học xong Ban Tú tài toàn phần rồi đậu Cử nhân Văn khoa ưu tú năm 1929 (khi mới tròn 24 tuổi). Hai năm sau, Nguyễn Văn Huyên lại đậu Cử nhân Luật tại Trường Đại học danh tiếng thế giới thời bấy giờ - Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne (Pháp). Thời kỳ làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Pháp, để có kinh phí tự nuôi mình, ông dạy tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương.
Năm 29 tuổi, Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa xuất sắc tại Đại học Sorbonne (Paris, Pháp). Thời đó, để bảo vệ luận án nghiên cứu sinh phải trình 2 luận văn, cả hai luận văn này đều được xếp loại xuất sắc. Sự kiện này làm cho vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Giáo sư Vendryes phải thốt lên: “Đây là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường Đại học Sorbonne!”. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt Nam là cực kỳ thông minh, có nền văn hóa thực sự. Hai bản luận án này được in ngay thành sách do Nhà xuất bản Paul Guethner ở Paris xuất bản với sự đánh giá rất cao của các nhà chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan thời bấy giờ.
Trong khoảng 10 năm sau đó, ông đã nghiên cứu và liên tục công bố bằng tiếng Pháp thêm 46 công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa và văn minh Việt Nam.
Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra, chiều ngày 22/8/1945, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên cùng ba nhà trí thức nổi tiếng ở Hà Nội là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường cùng ký tên dưới một bức điện thư gửi Hoàng đế Bảo Đại. Trong bức điện có đoạn viết: “… Một Chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà!”
Sau ngày độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho trọng trách Tổng Giám đốc Đại học Vụ kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Ông còn được Hội đồng Chính phủ tiến cử tham gia hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước. Ông là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và là thành viên trong phái đoàn ta năm 1946 dự Hội nghị Fontainebleau tại Paris, Pháp. Trong những ngày ở Pháp, ông thường được làm việc trực tiếp với Hồ Chủ tịch.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau chuyến đi Pháp trở về, đầu tháng 11/1946, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Phủ Chủ tịch bàn công việc. Ông được đích thân Cụ Hồ tiến cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Dù ban đầu từ chối với lý do "thiếu kinh nghiệm", trước sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch: "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân", ông nhận nhiệm vụ này vào tháng 11/1946 và giữ cương vị này đến khi mất (19/10/1975). Với khoảng 29 năm, ông là người giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lâu nhất.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch với sự tham gia của toàn dân và tài điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - một kiến trúc sư tài năng, linh hồn của nền giáo dục dân chủ Nhân dân, chỉ trong 5 năm từ tháng 8/1945-12/1950, phong trào diệt dốt, nâng cao dân trí đã phát triển liên tục và trở thành cao trào: Giúp 14 triệu người thoát nạn mù chữ. Đến cuối năm 1952, cả nước đã có 10.450 lớp học bổ túc văn hóa với gần 336.000 học sinh. Những con số đó đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Cùng với việc phát triển theo chiều rộng, Bộ Quốc gia Giáo dục đặc biệt quan tâm đến chất lượng của các trường, đặc biệt là các trường phổ thông lao động ở Trung ương và các tỉnh.
Trường phổ thông lao động Trung ương được thành lập tháng 2/1951 và tồn tại đến năm 1977. Qua 26 năm xây dựng và phát triển, trường đã hoàn thành 42 khóa học cho 10.000 cán bộ từ cấp huyện trở lên, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, cán bộ văn hóa - nghệ thuật...
Sau ngày hòa bình lập lại, Bộ trưởng Huyên nhận thấy tầm quan trọng, yêu cầu cấp thiết của bộ môn ngoại ngữ. Bộ Giáo dục đã đề nghị Hội đồng Chính phủ khẳng định vị trí của môn ngoại ngữ trong chương trình học phổ thông và quyết định dạy 4 thứ tiếng: Nga, Hoa, Anh, Pháp. Nguyện vọng của Bộ trưởng Huyên là việc dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông phải giúp cho học sinh sau khi học liên tục 6 năm về một ngoại ngữ có thể đọc được những sách thông thường, những truyện ngắn cho thiếu niên. Số từ tối thiểu trong số từ cơ bản nhất của ngoại ngữ là khoảng 3.000.
"Bông hoa của chế độ" là từ ngữ quen thuộc để nói về thành quả nền giáo dục mà cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cùng đồng nghiệp đã dày công xây dựng trong suốt 29 năm.
Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/10/1975 trong cuộc phẫu thuật ở Đức, ông vẫn đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông là Đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến khi mất và là Ủy viên Ủy ban Trung ương, rồi Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Tên của ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội và TP. HCM.
Tham khảo:
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với đường lối “trí thức hóa công nông” - Báo Đại biểu Nhân dân
- Ai giữ chức Bộ trưởng Giáo dục lâu nhất? - Báo VnExpress
- Bí mật của vị Bộ trưởng gần 30 năm 'ngoài Đảng' - Báo Hà Nội Mới
- GS Nguyễn Văn Huyên trên con đường sự nghiệp - Báo CAND