Từ cuối năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt được các vụ việc liên quan đến cà phê bẩn, cà phê trộn. Trước nhu cầu của thị trường và mục tiêu lợi nhuận, không ít chủ cơ sở sản xuất bất chấp quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), đã sử dụng nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc và các phụ gia thực phẩm rẻ tiền để pha trộn làm cà phê.
Trong tháng 6 và 7, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Các mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các điểm kinh doanh cà phê khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng cafein rất thấp (dưới 1 g/lít). Đặc biệt, có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafein. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán quen thuộc hàng ngày như những quán cà phê nhỏ, quán nước vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt.
Thực trạng cho thấy, nhiều nhà kinh doanh đang bịt mắt người tiêu dùng (NTD), cung cấp những sản phẩm cà phê mà không phải cà phê. Điều này không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, gây hoang mang trong tâm lý NTD mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu cà phê Việt Nam.
Tọa đàm “Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức ngày 20/7 tại TP.HCM. |
Cần phải minh bạch thành phần và tỷ lệ cà phê
Tại cuộc Tọa đàm “Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 20/7 tại TP.HCM, Phó đội trưởng Phòng 7, (C49B) Bộ Công an, ông Đinh Văn Mạnh cho biết, hiện nay có 3 hành vi vi phạm trong kinh doanh cà phê. Thứ nhất là hành vi pha trộn các loại ngũ cốc nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận bán hàng, có một cơ sở bị phát hiện sản xuất cà phê 100% là đậu nành nhưng lại ghi trên bao bì là cà phê nguyên chất.
Thứ hai là trong quá trình sản xuất, các cơ sở này thường sử dụng các loại hóa chất, hương liệu không rõ nguồn gốc.
Thứ ba là xây dựng các cơ sở sản xuất ở những nơi vắng vẻ, ít người để ý và đầu tư nhà xưởng, máy móc thủ công rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa Cục QLTT - Bộ Công thương, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là việc sử dụng hóa chất hay phụ gia trái phép trong sản xuất cà phê. Các đối tượng này thường sử dụng các loại hóa chất giá rẻ, hóa chất không được phép sử dụng, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe NTD.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm tra và thống nhất các quy chuẩn để ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất cà phê. Đồng thời kêu gọi các cá nhân, các hộ và doanh nghiệp chế biến và kinh doanh cà phê minh bạch thông tin về sản phẩm, bảo đảm cung cấp cà phê chất lượng ra thị trường.
Hãy để người dân Việt Nam được uống một ly cà phê đúng nghĩa.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng Giám đốc Vinacafe, cho rằng Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nhưng người dân Việt Nam chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa. Do đó, đã đến lúc NTD phải được cung cấp những ly cà phê không những ngon mà phải sạch, đúng chất cà phê Việt Nam. Ông Kỷ nhấn mạnh “Kể từ ngày mai, Vinacafe sẽ chỉ sản xuất ra thị trường những sản phẩm cà phê nguyên chất 100%”.
Cũng nhân dịp này, Vinastas kêu gọi các hộ sản xuất cà phê, các công ty chế biến và kinh doanh cà phê, đặc biệt là các công ty hàng đầu ở Việt Nam như Trung Nguyên, Nescafe, G7, Phúc Long gia nhập Câu lạc bộ “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng”, cung cấp những “Sản phẩm cà phê tin cậy vì người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, Vinastas sẽ cùng với các hội thành viên, hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước hợp tác thực hiện và lan tỏa chương trình “Hàng hóa, dịch vụ tin cậy vì người tiêu dùng”.
Song Hà