Là khách hàng thường xuyên đi tuyến buýt 101 B (Đại Cường - bến xe Giáp Bát) nghe được thông tin Hà Nội sắp điều chỉnh giá vé xe buýt lên đến hơn 100% so với giá cũ, anh Nguyễn Minh Tuấn cho rằng việc điều chỉnh sau 9 năm là cần thiết, nhưng phải chọn thời điểm, cũng như biên độ điều chỉnh hợp lý.
"Hiện nay tôi đang đi vé có giá 9000 đ/ lượt tới đây điều chỉnh lên 20.000 đ/ lượt là cả một vấn đề. Tôi nghĩ giá cũ giữ lâu rồi giờ điều chỉnh là hợp lý, nhưng nên điều chỉnh vào giữa năm 2024, thay vì 1.1.2024 như dự kiến, đồng thời thành phố Hà Nội chỉ nên cho phép điều chỉnh mỗi lần không quá 50%".
Đồng quan điểm với khách hàng trên, chị Phạm Ngọc Anh người chọn tuyến xe buýt 21A (BX Giáp Bát - BX Yên Nghĩa) để đi học bày tỏ quan điểm: "Hiện nay giá vé tôi đang đi 7000đ/ lượt, nếu tới đây điều chỉnh sẽ tăng lên 15.000đ/ lượt, với thu nhập của những anh chị đi làm thì chịu được, còn chúng tôi vẫn đi học mà điều chỉnh cao như vậy là cả một vấn đề không hề nhỏ, tác động trực tiếp chi tiêu hàng ngày vốn rất hạn hẹp".
"Mà không biết điều chỉnh giá vé rồi chất lượng xe, dịch vụ lái xe, phụ xe có được cải thiện? chứ tôi thấy hiện nay chất lượng dịch vụ xe buýt vẫn đang ở mức trung bình, không muốn nói là yếu kém"- chị Ngọc Anh đặt vấn đề về chất lượng dịch vụ.
Trước áp lực tăng giá vé xe buýt đang đến gần, nhiều khách hàng đã tính đến việc chuyển đi vé ngày, sang vé tháng liên tuyến để giảm chi phí tối đa.
"Sau khi biết thông tin Hà Nội sẽ tăng giá xe buýt từ đầu năm 2024, tôi và người thân đi hàng ngày không còn dùng vé lượt mà chuyển toàn bộ sang vé tháng. Việc chuyển sang vé tháng chúng tôi đi liên tuyến nếu áp dụng mức giá mới cũng chỉ tăng thêm chưa đến 50% so với chi phí hiện tại"- anh Vũ Tiến Đạt đưa ra giải pháp.
Trước thông tin Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất tăng giá xe buýt, Tiến sĩ Phan Lê Bình là Giảng viên Đại học Việt Nhật, chuyên gia của Cơ Quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng khoảng thời gian 9 năm giữ nguyên giá vé xe buýt là khá dài. Các mức tăng của vé lượt, vé tháng, vé liên tuyến đều không đáng kể, vẫn là mức rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác, không ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của người dân.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, điều mà người dân quan tâm nhiều là sự thuận lợi khi sử dụng dịch vụ, chất lượng dịch vụ có được nâng lên khi giá vé tăng hay không?. Hiện nay giá vé đang ở mức thấp không còn phù hợp cho chi phí vận hành, nên việc điều chỉnh giá vé là rất cần thiết. Còn việc điều chỉnh mở biên độ bao nhiêu chắc chắn lãnh đạo UBND TP Hà Nội sẽ tính toán để không tác động lớn đến đời sống người dân, đồng thời vẫn khuyến khích ngày càng tăng lượng người chọn phương tiện công cộng này.
Nêu quan điểm về đề xuất tăng giá vé xe buýt trong thời gian tới, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Quyền, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (người trực tiếp được giao theo dõi chỉ đạo lĩnh vực giao thông của Hà Nội) cho biết thành phố đã nhận được đề xuất tăng giá vé xe buýt của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nhưng chưa chọn thời điểm tăng giá vé, cũng như tăng bao nhiêu phần trăm. "Hiện nay thành phố vẫn đang xem xét, khi nào có thông tin cụ thể sẽ thông tin cho cơ quan báo chí"- ông Quyên cho biết thêm.
Giá vé mới theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
Vé lượt, cự ly dưới 15km có mức điều chỉnh thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25km từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30km từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40km từ 9.000 lên 15.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.
Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện 140.000 đồng).