Làng Tràng Cát có nghề truyền thống trồng lá dong hàng trăm năm tuổi, là một trong những vựa lá dong lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cung cấp cho thị trường Hà Nội vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội nằm ven sông Đáy, có hơn 20 ha trồng lá dong
Theo người dân nơi đây, khu vực Hà Nội chỉ có làng Tràng Cát là có nhiều thuận lợi nhất để trồng lá dong bởi đất màu mỡ bồi tụ bởi dòng sông Đáy. Thời điểm này, người dân đang tất bật thu hoạch để bán dịp Tết.
Ngay từ đầu tháng Chạp người dân trồng lá dong đã bắt đầu thu hoạch lá bán cho các cửa hàng làm bánh chưng
Chị Nguyễn Thị Khuyên (người dân làng Tràng Cát, Kim An) cho hay, gia đình chị có khoảng 4 sào lá dong, nhưng do không đủ cung cấp cho thương lái lên chị phải đi mua thêm của người dân. Do đó, ngay từ đầu tháng Chạp ngày nào chị cũng phải thu hoạch lá dong để chuyển đến cho các cơ sở làm bánh chưng.
Bà Nguyễn Thị Khuyên cho biết thời điểm này là cao điểm thu hoạch lá dong của người dân địa phương. Họ cắt lá đến 26-27 âm lịch. Lá dong Tràng Cát thường là lá dong nếp, bản to, lá dày, đẹp. Dùng loại lá này khi gói bánh sẽ xanh và ngon hơn, không bị thâm giống như các loại lá dong khác.
Theo chị Khuyên, mỗi ngày chị thường đưa ra thị trường khoảng hơn 10.000 tàu. Giá cả sẽ phụ thuộc vào chất lượng lá có tốt hay không từ 80.000-120.000 đồng/100 tàu (giá tại vườn). Dự kiến cận Tết, giá có thể tăng thêm.
Đến thôn Tràng Cát dịp này, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người dân hối hả ra vườn thu hoạch lá để kịp phục vụ nhu cầu gói bánh chưng tết Nguyên Đán 2024.
Theo người dân địa phương, lá dong khá dễ trồng, một năm có thể thu hoạch 3-4 lần. Mỗi sào lá dong, người dân ước tính thu được khoảng 30 triệu đồng/vụ.
Lá dong sau khi thu hoạch sẽ được sắp xếp thành từng bó, rửa nước sạch rồi vận chuyển đến cơ sở thu mua
Để lá dong đẹp, người dân phải dùng dao cắt cuống, sau đó dọn vườn, bón phân cho đến khi lên lá mới rồi phun thuốc sâu. Nước được tưới thường xuyên để cây đẻ ra cây con, không phải trồng lứa mới. Nhờ đó, lá dong có thể bán quanh năm, cứ thu hoạch là có người đến thu mua.