Ngọn núi có hai bảo tháp nghìn năm tuổi vẫn đứng vững sau địa chấn, du khách nào cũng thắc mắc: Không đường lên thì xây thế nào?

Đây là một ngọn núi đầy bí ẩn với hai bảo tháp nằm trên đỉnh tồn tại hàng nghìn năm qua.

Trung Quốc là đất nước sở hữu nhiều công trình kiến trúc độc đáo, mang theo nhiều bí ẩn mà đến ngày nay, cả giới khảo cổ và nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể giải đáp hoàn toàn. Đặc biệt, những công trình gắn liền với cảnh quan thiên nhiên đã trở thành những điểm đến du lịch được biết đến rộng rãi.

Tại thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc có hai ngọn tháp cổ có niên đại hàng nghìn năm, nằm trên hai khối đá vững chãi. Nhiều nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về cách mà người Trung Quốc thời xưa đã có thể xây dựng những ngọn tháp trên những vách đá cao kỳ lạ như vậy. Đến nay, câu trả lời cho bí ẩn này vẫn là một ẩn số, và địa danh này được biết đến với cái tên "núi Song Tháp Trung Quốc".

Hai khối đá ở núi Song Tháp Trung Quốc có chiều cao gần bằng nhau, cao khoảng 74m, ngọn ở phía Bắc có kích thước to hơn ngọn ở phía Nam. Tháp ở đỉnh phía Bắc có hình nón không cửa, cao 2m. Tháp ở đỉnh phía Nam có hình vương, mặt quay về hướng Bắc, cao khoảng 5m, cửa tháp cao 1.5 m, rộng 1.3m. Điều khiến nhiều người kinh ngạc là tháp ở đỉnh phía Nam có một vết nứt rộng tới 20m. Tuy nhiên trong trận động đất ở Đường Sơn, ngọn tháp này không những không hề bị sụp đổ mà các vết nứt còn khép kín lại với nhau hơn.

Năm 1998, khi khu vực thành phố Thừa Đức được quy hoạch phát triển du lịch, chính quyền đã cho xây dựng cầu thang xoắn ốc để du khách có thể leo lên trên đỉnh tham quan. Nhưng về sau, vì để bảo tồn tháp cổ, cầu thang đã bị tháo dỡ. Từ đó, du khách chỉ có thể đứng bên dưới nhìn ngắm sự đồ sộ của núi Song Tháp.

Tương truyền kể lại rằng, tháp cổ ở núi Song Tháp Trung Quốc có niên sử hơn 1.000 năm. Hai khối đá đó nằm tách biệt, tồn tại song song với hai tháp trên đỉnh. Theo nhiều cuốn sử ghi lại, tháp được xây dựng từ đời nhà Liêu với mục đích làm lăng mộ tế lễ. Đây là công trình kiến trúc cổ nhất ở thành phố Thừa Đức. Nhiều người nói rằng, hai ngọn tháp do người Khiết Đan xây dựng cách đây khoảng 1.300 năm ở trên đỉnh một ngọn núi dốc thẳng đứng giữa không trung để dung hòa khí đất và trời.

Hai khối đá cao đứng sừng sững vuông góc với mặt đất cho đến nay vẫn khiến các chuyên gia chưa thể lý giải được vì sao con người xưa kia lại có thể xây dựng được tháp trên độ cao chơi vơi như vậy.

Theo phóng sự của CCTV, một giả thuyết xây dựng đã được đưa ra sau khi tìm thấy nhiều ổ gà trũng trên vách đá. Người xưa có lẽ đã vận chuyển vật liệu xây dựng lên đỉnh núi bằng cách "xây một cấu trúc bằng gỗ như một cái thang". Cái gọi là thang gỗ là đào một lỗ sâu trên vách đá, chèn gỗ vào đó tạo thành một chiếc thang gỗ để leo lên trên.

Giả thuyết này từng được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng học thuật, nhưng cho dù nó có đúng hay không thì vẫn chưa thể đưa ra một kết luận hoàn chỉnh. Bởi sau này sử liệu phát hiện ra rằng vào năm 1790, Hoàng đế Càn Long đã ra lệnh cho người đóng một chiếc thang gỗ để leo lên núi Song Tháp. Vì vậy, những cái hố có khả năng là do đội thi công của Hoàng đế Càn Long để lại.

Mô phỏng giả thuyết cầu thang gỗ của CCTV

Thế nên "ai là người đã xây nên kỳ quan này" và "tại sao lại trải qua bao khó khăn gian khổ để xây dựng trên đỉnh tháp này hai ngôi tháp cổ như vậy" đến nay vẫn là một ẩn số khiến cho nơi đây trở thành địa điểm tham quan bí ẩn bậc nhất Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN