Ngôi nhà cổ trăm năm tuổi của đại gia Đồng Tháp làm bằng gỗ quý, ẩn chứa chuyện tình xuyên biên giới được chuyển thể thành phim

Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một tuyệt tác hiếm có ở khu vực Nam Bộ, nổi bật với sự kết hợp độc đáo giữa hai lối kiến trúc Đông - Tây.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 255A, đường Nguyễn Huệ, phường 2, ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nằm bên bờ sông Tiền thơ mộng. Ngôi nhà này được mọi người biết với tên gọi là Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, mang tên người cố chủ, ông Huỳnh Thuỷ Lê, một người Việt gốc Hoa giàu có vào những năm đầu thế kỷ 20.

Ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc. Ban đầu, đây là một ngôi nhà ba gian kiểu truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258 m2 với nguyên vật liệu chính là gỗ quý, và mái nhà hình thuyền lợp ngói âm dương.

Đến năm 1917, chủ nhân lại cho trùng tu lại ngôi nhà bằng gạch đặc bao lấy khung gỗ bên trong. Do đó, trông bề ngoài là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng vào bên trong, lại thấy một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa.

Mái nhà mang hình thuyền của miền Tây sông nước, trong khi vòm cửa lại thiết kế cong theo kiểu La Mã, chạm khắc các phù điêu hoa lá cây cỏ, chim muông của thế kỷ 17. Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào… Mặt ngoài ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa.

Nhiều loại vật liệu xây nhà như gạch, kính được nhập từ Pháp. Gạch lát nền nhà kích thước 30x40cm được nhập từ Pháp năm 1917, mặt sau viên gạch ghi rõ nơi và năm sản xuất.Đặc biệt, nền gạch ở giữa nhà trũng xuống vì ông Huỳnh Cẩm Thuận quan niệm “nước chảy về chỗ trũng”, tiền bạc sẽ đổ về nhà ông.

Gian giữa nhà là ban thờ Quan Công, tín ngưỡng truyền thống thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống của gia chủ. Các bao lam, thành vọng bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, chạm khắc cầu kỳ thể hiện sự quyền quý của những gia đình giàu có ngày xưa.

Kiến trúc bên trong ngôi nhà cũng được bố trí theo lối phong thuỷ tứ linh, nhưng khác biệt với truyền thống bởi sự sắp đặt của Long – Lân – Bức – Phụng thay vì Long – Lân – Quy – Phụng. Hình tượng con dơi thay thế cho con rùa trong tứ linh được coi là một biểu tượng đặc trưng cho quá trình giao thoa văn hóa của người Hoa khi họ đặt chân đến vùng đất sông nước miền Tây.

Qua nhiều biến động của lịch sử, hiện tại, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và đã trở thành biểu tượng của một di sản kiến trúc độc đáo từ hàng trăm năm trước. Du khách mong muốn trải nghiệm lưu trú có thể đặt phòng trước, mỗi phòng ở được 2 người và đi kèm với dịch vụ bữa sáng cùng bữa trưa.

Ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến từ khi tiểu thuyết L’Amant của nữ văn sĩ người Pháp Margueritte Duras được đạo diễn Jean – Jacques Annaud dựng thành phim Người Tình với diễn xuất của tài tử Lương Gia Huy và nữ diễn viên Jane March . Những tình tiết trong phim đã từng lấy không ít nước mắt của nhiều người khi xem. Huỳnh Thủy Lê là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này và nữ văn sĩ người Pháp này cũng chính là người tình của ông Huỳnh Thủy Lê.

Hai người tình cờ gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, khi nàng vừa mới chưa đầy 16 tuổi và chàng đã 32 tuổi. Họ đã có một mối tình thật đẹp với nhau. Tuy vậy, họ lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của ông Huỳnh Cẩm Thuận.

Khi cha biết chuyện, ông Lê đã quỳ lạy xin cha cho mình sống với người con gái mà ông cảm nhận một tình yêu mãnh liệt mà có thể chỉ đến một lần trong đời. Song vì sự khác biệt văn hóa Đông – Tây và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, người cha đã không thuận tình cho hai người đến với nhau. Mối tình chỉ kéo dài 18 tháng. Ngày Marguerite lên tàu về Pháp, từ mạn tàu nàng thấy thấp thoáng từ xa chiếc xe hơi sang trọng màu đen quen thuộc của người tình Trung Hoa lặng lẽ đến tiễn biệt. Không lâu sau đó, chàng vâng lời cha lấy cô vợ trẻ cũng người Trung Hoa môn đăng hộ đối.

Nhiều năm sau, , chàng có dịp đến Paris cùng vợ. Chàng gọi điện cho nàng ngỏ ý chỉ để nghe giọng nàng nói. “Rồi chàng nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết” (trích tiểu thuyết Người Tình).

Poster phim Người Tình

Bằng con tim và nước mắt, nữ văn sĩ đã viết nên thiên tình sử nổi tiếng, kể lại câu chuyện tình hơn 50 năm trước tưởng đã ngủ yên trong lòng. Năm 1984, tiểu thuyết Người tình được xuất bản, gây tiếng vang lớn, được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới và đoạt được giải thưởng Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp). Năm 1986, cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim cùng tên và được công chiếu tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991. Chuyện tình nổi tiếng của đôi tình nhân Pháp – Trung đã thôi thúc, lôi kéo biết bao du khách Tây – Ta tìm về ngôi nhà cổ này mỗi ngày tò mò các bối cảnh trong truyện và phim, để được lắng đọng sống lại những phút giây tình tứ, lãng mạn ấy.

Sau khi ông Huỳnh Thủy Lê qua đời, tất cả con cái của ông đều đã định cư ở nước ngoài. Ngôi nhà của gia đình Huỳnh Thủy Lê sau đó được Nhà nước sử dụng, trở thành trụ sở của Đội Cảnh sát kinh tế Công an thị xã Sa Đéc. Đến năm 2007, ngành du lịch Đồng Tháp chính thức mở cửa khai thác ngôi nhà cổ, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Năm 2008, ngôi nhà cổ nhận được chứng nhận là di tích cấp tỉnh và được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2009.

TIN LIÊN QUAN