Miếu Phù Châu hay còn gọi là miếu Nổi (thuộc phường 5, quận Gò Vấp, TP. HCM) tồn tại như một ốc đảo giữa sông. Miếu có vị thế độc đáo ở giữa dòng sông Vàm Thuật, một nhánh của sông Sài Gòn (xưa gọi Bến Cát).
Miếu có diện tích khoảng 550m2, được xây gần như bao trùm trên một cồn đất nhỏ hình bàn chân có diện tích khoảng 2.500m2 nổi giữa sông Vàm Thuật. Dưới chân cồn đất có nhiều đá xanh lồi xung quanh. Do địa hình khá đặc biệt nên mới gọi là miếu Nổi.
Được xây dựng cách đây hơn 300 năm, ngôi miếu này đã trở thành một trong những địa điểm tôn giáo độc đáo nhất thành phố. Tương truyền, người dân đi ghe thuyền buôn bán trên sông một hôm ghé lại ngủ qua đêm thấy 5 vị Ngũ Thần đó là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ độ cho buôn may bán đắt. Qua vài ngày sau, đoàn ghe buôn ghé lại dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ cúng 5 bà Ngũ Hành phù hộ độ trì cho người đi thuyền bè qua lại trên sông, cùng độ cho người dân địa phương nơi đây.
Năm 1989, một người Hoa tên Lục Câu đứng ra bỏ tiền và phát động mọi người sửa sang miếu. Hiện tại, sau nhiều lần trùng tu, Phù Châu miếu đã trở thành một ngôi miếu khang trang, kiến trúc đặc sắc với nét văn hóa Việt - Hoa pha trộn, là một trong những địa điểm tham quan nổi bật ở Sài Gòn.
Miếu được chia ra làm 2 gian: Khu vực chính điện và nơi thờ năm Mẹ, ngoài sân có thờ các vị Bồ Tát. Ở giữa chính điện là nơi thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu.
Điểm ấn tượng nhất trong kiến trúc của miếu Nổi đó chính là hình ảnh những con rồng cẩn bằng sứ được đặt khắp nơi, khiến không gian nơi đây thêm huyền bí và linh thiêng hơn. Ước tính có tới hàng trăm tượng rồng với nhiều kích cỡ, được chạm trổ tỉ mỉ.
Ngoài ra, các chi tiết hoa cúc, lá nho, sông nước, hình cá được trang trí khắp nơi. Tường xung quanh được quét vôi hồng đậm, mí cửa sơn đỏ - nét đặc trưng phong cách Trung Hoa.
Mặt tiền của Phù Châu miếu quay về hướng nam, được cất theo kiểu chữ tam gồm ba tòa nhà nối liền nhau bởi hai sân thiên tỉnh hẹp có lợp mái. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau.
Trên nóc mỗi toà nhà đều trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Trên bốn đầu đao cong lên có gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng và các họa tiết: hoa cúc dây, lá nho, sông nước... Các bức tường được quét vôi màu hồng đậm, các cạnh cửa sơn màu đỏ.
Vào các dịp đại lễ lớn như các ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 hoặc Rằm tháng 2, miếu Nổi sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động mang văn hóa truyền thống đặc trưng của miếu.
Đối với những người hành hương thì miếu cũng là nơi diễn ra các hoạt động dâng lễ cúng, cầu tài lộc, tình duyên, công việc được thăng tiến,.. Cuối năm hoặc đầu năm mới, miếu cũng có rất nhiều hoạt động trả lễ, khai xuân diễn ra rất sôi nổi và đông đúc.