Vùng đất địa linh nhân kiệt có dáng hình cá chép
Làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là ngôi làng cổ nổi tiếng có truyền thống văn hóa, hiếu học. Theo “Hành Thiện xã chí”, làng Hành Thiện được thành lập vào khoảng năm 1500, vốn có tên gọi là Hành Cung Trang. Năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên cho làng thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ sơn son thếp vàng "Mỹ tục khả phong” với hàm ý khen ngợi.
Làng Hành Thiện được bao quanh bởi hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (cách gọi nhằm phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Điều đặc biệt về hai nhánh của con sông này chính là việc nó đã tạo nên hình dáng con cá chép cho ngôi làng Hành Thiện. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách làng Hành Thiện với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng “lý ngư”.
Trên bản đồ, làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình lao ra biển Đông.
Những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá. Ở chính giữa đầu cá có chữ Miếu, chính là miếu thờ thần dựng làng, xuống dưới một chút là chữ Thị – khu chợ, nơi tụ họp đông đúc, thể hiện nét văn hóa phồn thực của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Vị trí và đặc điểm địa lý đã tạo nên nét độc đáo của ngôi làng cổ này. Bản đồ của làng được lập rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của các bậc tiền nhân.
Truyền thống trăm năm khoa bảng
Trong lịch sử khoa bảng Nho học thời phong kiến, làng Hành Thiện có 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan Thượng thư, 4 người là quan Tuần phủ, 4 người là Tổng đốc, 23 người làm quan giúp việc triều đình, 69 người làm Tri phủ, Tri huyện, số người đỗ đạt đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp nơi.
Người đỗ cao nhất là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh) thời vua Tự Đức. Năm 1856 ông thi và đỗ tiến sĩ, đỗ hạng nhì khoa thi năm ấy. Tương truyền quyển thi của ông đáng đậu Hoàng giáp, nhưng phần cuối có lời thẳng thắn can vua thanh sắc tuần du. Vua không thích nên đánh ông xuống đỗ đầu hàng Tam giáp tiến sĩ - tức Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh.
Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng sau khi trí sĩ, về làng mở trường dạy học từ năm 1878 tới đầu thế kỷ 20. Ông đã lập ra Hy Long thư viện – nơi chứa sách Hán học lớn nhất Bắc kỳ thời bấy giờ. Ngoài ra còn phải kể đến tủ sách của cụ Phó bảng Đặng Đức Dịch, cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên… Nhờ nhiều thầy giỏi và nhờ nhiều sách quý mà học trò Hành Thiện hiểu rộng, biết nhiều, tri thức uyên thâm vang dội thiên hạ.
Ở Hành Thiện có nhiều gia đình có cả cha con đều đỗ đạt như cụ Nhị trường Đặng Vũ Kiểm có ba con đậu Cử nhân, hai con đậu Tú tài. Cụ Đặng Văn Tường có năm con đều đậu Nhị trường, Cử nhân. Nhiều học trò Hành Thiện sớm bộc lộ thông minh và tinh thần hiếu học đã đỗ đạt rất sớm như Đặng Huyến đỗ Tú tài từ năm 11 tuổi, Nguyễn Âu Chuyên đỗ Tú tài năm 19 tuổi, đỗ Giải nguyên (thủ khoa) năm 20 tuổi, đỗ Phó bảng năm 25 tuổi.
Nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết chí học tập và đỗ đạt, như Nguyễn Như Bổng nhà nghèo nhưng đã hai lần đỗ Tú tài, đỗ Cử nhân năm 60 tuổi. Nguyễn Ngọc Liên đỗ Cử nhân nhưng không nhận chức Huấn đạo mà ở nhà học thêm ba năm và thi đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm 1889.
Ở Xuân Trường hiện nay vẫn còn câu cửa miệng “đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để nói về 2 ngôi làng: Thủy Nhai và Hành Thiện. Thuỷ Nhai là ngôi làng gần đó nổi tiếng về nghề làm đậu phụ, còn làng Hành Thiện thì nhà nào cũng có người đậu tú tài.
Đến thời hiện đại, Hành Thiện vẫn là ngôi làng nổi tiếng học giỏi có người đỗ đạt nhiều nhất Nam Định. Theo thống kê sơ bộ, có đến 88 người được phong hàm Giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân cả trong và ngoài nước.
Truyền thống hiếu học và khuyến học ở Hành Thiện còn rất đặc biệt. Ngoài việc khắc tên tân khoa vào bia Văn chỉ, làng còn coi việc học là một nghề. Bởi vậy, chỉ ở Hành Thiện mới có “nghề học” đúng như câu ca dao: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Chiếu anh đọc sách, chiếu nàng quay tơ”.
Phát huy truyền thống hiếu học của dân làng, đến nay, tháng 8 hàng năm, Hội Khuyến học, khuyến tài của làng đều tổ chức lễ khen thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế để động viên các học sinh, sinh viên phấn đấu trong học tập. Những năm gần đây, mỗi năm trong làng đều có hàng chục tân sinh viên của các trường đại học.