Ngôi làng đặc biệt dưới chân đèo Cù Mông: Hơn 150 năm sản xuất loại gia vị người Việt thường dùng, quý tới nỗi từng có lính canh trực luân phiên

Loại gia vị này nổi tiếng trắng tinh, hạt chắc, vị mặn đậm đà nhưng không chát.

Tuyết Diêm là một làng nghề làm muối hầm nức tiếng ở tỉnh Phú Yên. Tên gọi Tuyết Diêm có nghĩa là muối trắng như tuyết, cũng bao hàm ý nghĩa chất lượng nổi bật của muối sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ở những vùng quê khác, hạt muối được lấy từ ruộng lên là sản phẩm cuối cùng, nhưng với người dân thôn Tuyết Diêm thì những hạt muối trắng từ ruộng chưa phải là sản phẩm cuối cùng.

Cánh đồng muối Tuyết Diêm

Theo các bậc cao niên kể lại, đồng muối Tuyết Diêm hình thành từ năm 1870. Đến nay đã hơn 150 năm, thế nhưng đồng muối nơi đây chưa được quy hoạch hoàn thiện như những đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận), Hòn Khói (Khánh Hòa)… mà vẫn còn manh mún, gõ trũng nên diêm dân đối mặt không ít khó khăn vất vả.

Theo lời nhiều diêm dân, thời Pháp thuộc, hạt muối ở đây đắt lắm. Quan Tây cho xây nhà kho lớn giữa cánh đồng muối rồi cắt cử chánh chủ thầu, phó chủ thầu, thầy cai, thầy đội, lính bồi luân phiên nhau thường trực xuyên suốt ngày đêm canh giữ từng hạt muối. Muối đắt đỏ tới mức diêm dân trong làng có câu: “Muối Cù Mông ba mươi đồng một hạt”...

Diêm dân tại xã Xuân Bình thu hoạch muối trên cánh đồng. Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất muối hầm Tuyết Diêm. Ảnh: Lê Chí Trung

Lý giải thêm về tên gọi khác là muối Cù Mông, một lão diêm dân cho biết: “Gọi là muối Cù Mông vì làng này nằm dưới chân đèo Cù Mông, thời xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc đến đây mua muối đều nhắm hướng phía Nam chân đèo Cù Mông để lái mũi tàu vào Tuyết Diêm là đồng muối duy nhất ở Phú Yên, nổi tiếng trắng tinh, hạt chắc, vị mặn đậm đà nhưng không chát”.

Muối Tuyết Diêm còn được gọi là muối Cù Mông. Ảnh: Lê Chí Trung

Từ nhiều năm qua, diêm dân Tuyết Diêm sản xuất muối theo phương thức thủ công truyền thống, dẫn nước biển vào những ô thửa nền đất, phơi nắng 4-5 ngày để muối kết tinh rồi huy động nhân công cào dồn hạt muối thành luống trước khi gánh vào bãi tập kết. Nhiều người cho biết sở dĩ vẫn còn theo đuổi nghề này chỉ vì đây là cái nghề truyền thống, được truyền từ đời ông cha nên không thể bỏ.

Để làm ra những hạt muối trắng xóa như bông tuyết ấy là cả một quá trình vô cùng nhọc nhằn, gian nan. Đến nay, cả làng muối Tuyết Diêm chỉ còn 4 hộ duy trì nghề làm muối hầm với công suất khoảng 10 tấn muối mỗi ngày. Để ra hạt muối hầm Tuyết Diêm, diêm dân tại đây phải thu hoạch muối hạt tại chỗ, sau đó vận chuyển vào kho.

Hầm muối Tuyết Diêm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa

Để nâng cao giá trị sản phẩm hạt muối Tuyết Diêm, 4 gia đình ở đây đã đầu tư 4 lò sản xuất muối hầm. Lò hầm muối hình tròn lộ thiên được xây lắp bằng gạch, phía dưới có khoảng không để đun củi, phía trên xếp dày những chậu đất chứa muối hạt.

12h đêm, nhân công xếp muối vào lò để đun trong suốt 24 giờ, trong thời gian đó thợ hầm muối dùng xẻng xúc than lửa từ dưới cửa phủ trên bề mặt lò một vài lần để tại nhiệt lượng đồng bộ. Muối chín, để nguội mới bưng ra cho nhân công nữ sàn tay lấy bột muối thơm, mịn. Đây cũng chính là điểm đặc biệt khiến muối Tuyết Diêm nổi danh hơn những vùng khác.

Muối sau khi hầm được sàn tay lấy bột muối thơm, mịn. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa

Hiện nay, muối Tuyết Diêm đã có được vị thế trên thị trường trong nước. Ngoài ra, sản phẩm này còn được xuất khẩu sang Campuchia để sử dụng muối cá, làm nước mắm hay làm khô.

Làng muối Tuyết Diêm ngày càng được mọi người biết đến nhiều hơn qua các bộ ảnh. Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận rõ nét đời sống lao động tần tảo, phong ba và vất vả của diêm dân. Nhưng dù thế, giữa muối và con người vẫn có sự gắn kết. Đó là cái tình gắn bó với quê hương xứ sở, nơi họ sinh ra, lớn lên và kiếm sống.