Ngôi làng được Lưu Bá Ôn cải tạo lại theo hình bát quái
Ở Trung Quốc, nhiều ngôi làng được xây dựng theo nguyên lý âm-dương và thái-cực, sử dụng bố cục Bát Quái độc đáo. Những địa điểm này thường thu hút nhiều du khách bởi sự huyền bí và cách bài trí tinh tế được lưu truyền qua nhiều thời đại.
Trong đó có một ngôi làng cổ niên đại 800 năm được mệnh danh là "đệ nhất kỳ thôn” với những sự việc kỳ lạ đến nay vẫn chưa được giải đáp. Ngôi làng này gọi là làng Thái Cực tinh tượng Du Nguyên, nằm ở huyện Vũ Nghĩa, thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Khi đặt chân tới làng Du Nguyên, bố cục âm-dương, thái-cực có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Từ trên cao nhìn xuống, một dòng suối dài uốn lượn hình chữ S quanh những ngọn núi chính là ranh giới phân cách 2 phần âm dương của ngôi làng, tạo ra một Thái cực đồ cực lớn với đường kính khoảng 320m.
Thái cực đồ được đặt ở cửa phía bắc tạo thành một "đập khí", không chỉ giúp chặn không khí lạnh từ phía Bắc mà còn điều hòa và ngăn cản dòng khí tốt lành của ngôi làng thoát ra ngoài. Sự kết hợp giữa Thái cực đồ này và 11 ngọn núi xung quanh làng tạo thành hình 12 cung hoàng đạo. Đồng thời, 28 khu phức hợp tòa nhà cổ trong làng cũng được sắp xếp, bố trí theo hình bát quái, tương ứng với 28 chòm sao trong tinh tượng.
Theo trang 163, việc áp dụng bố cục Bát Quái trong thiết kế đã giúp cho làng cổ Du Nguyên tránh được các thiên tai và lũ lụt. Ghi chép của dân làng, trong 200 năm đầu thành lập khi chưa được quy hoạch như hiện tại, người dân ở đây thường phải đối mặt với những tai hoạ do thiên tai và lũ lụt.
Con cháu của dòng họ Du tin rằng điều này có liên quan đến địa thế của ngôi làng. Cho đến năm 1349, khi Lưu Bá Ôn - công thần khai quốc của nhà Minh, bậc thần cơ diệu toán thiết kế và cải tạo, quy hoạch lại ngôi làng theo hình bát quái thì ời sống của cư dân mới bắt đầu ổn định hơn. Khi nghiên cứu về địa thế của làng Du Nguyên, Lưu Bá Ôn nhận ra rằng những dòng suối trong làng chảy quá nhanh và mạnh mẽ, do đó, ông đã chỉ đạo người dân cải tạo và điều chỉnh dòng chảy của những dòng sông này, làm cho chúng quanh co để giảm vận tốc.
Bên cạnh đó, Lưu Bá Ôn cũng đã điều chỉnh bố cục xây dựng nhà cửa trong thôn bằng cách sử dụng hình ảnh của 7 ngôi sao Bắc Đẩu để đào ra 7 giếng nước và tạo ra 7 cái ao. Đồng thời, ông cũng dựa vào bố cục của Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ để đưa ra kế hoạch kiến trúc cho thôn. Những cái ao này được thiết kế với hình dạng giống như những cái gáo lớn, với mức nước khác nhau, được sử dụng đặc biệt để phòng chống hỏa hoạn.
Mỗi ngôi nhà trong thôn đều được Lưu Bá Ôn thiết kế một cách độc đáo. Trong ngôi làng, ông đã xây dựng 28 lễ đường, được bố trí đối xứng với nhị thập bát tú trong tinh tượng. Tất cả đều được sắp xếp theo hướng của Thương Long, một trong những ngôi sao của chòm Nhị thập bát tú.
Từ đó, cư dân của dòng họ Du trong làng không còn phải chịu cảnh thiên tai và bão lũ. Suốt 600 năm trôi qua, thời tiết tại ngôi làng đã ổn định hơn, ít khi xảy ra thiên tai nhờ người dân đã tập trung vào kinh doanh và tình hình kinh tế gia đình cải thiện hơn trước.
Lưu Bá Ôn còn đặc biệt nhấn mạnh với người dân tại làng rằng, nếu ai sau này muốn xây dựng nhà ở trong làng, họ nhất định phải giữ nguyên cách thiết kế của ông. Lý do mà ông để lại lưu ý như vậy là gì?
Những chuyện lạ xảy ra sau khi Lưu Bá Ôn thiết kế lại ngôi làng
Mặc dù ngôi làng Du Nguyên nổi tiếng với khung cảnh tuyệt đẹp nhưng điểm thu hút chính của nó là sự huyền bí, được tạo ra sau khi Lưu Bá Ôn thực hiện việc cải tạo phong thủy.
Đầu tiên, người dân luôn tin rằng bố cục của ngôi làng không thể thay đổi. Mọi chi tiết trong ngôi làng được Lưu Bá Ôn sắp đặt một cách có ý nghĩa, nên bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào cũng có thể gây ra hậu quả không lường trước. Điều này đã được ông Lưu Bá Ôn cảnh báo trước đó. Thực tế, hơn 80 năm trước, một số dân làng đã lấp đầy một cái ao để xây nhà nhưng ngôi nhà sụp đổ ngay sau đó và không thể tái thiết. Cái ao này là một trong số 7 cái ao mà Lưu Bá Ôn đã yêu cầu đào. Nhớ lại lời khuyên của ông, mọi người đã khẩn trương đào và đổ nước vào cái ao này.
Thứ hai, một trong 7 cái giếng của làng Du Nguyên có khả năng "dự báo" thời tiết. Khi trời nắng, nước trong giếng sẽ trong vắt, còn khi trời mưa, nước sẽ đục. Do đó, mọi người đã gọi nó là "giếng khí tượng".
Thứ ba, trong tòa nhà cổ mang tên Thanh Viễn Đường của làng, có treo 9 con cá chép làm từ gỗ. Những con cá này có khả năng thay đổi màu sắc mỗi khi chuyển mùa.
Thứ tư, vào ngày 26 tháng giêng âm lịch hàng năm, dù trời có nắng gắt đến đâu thì trời cũng sẽ đổ mưa lớn vào ngày này. Theo lý giải của dân làng, đó là ngày sinh nhật của công thần trị thủy Lý Băng nên ông trời ban mưa xuống.
Cuối cùng, các ngôi nhà trong làng Du Nguyên không có bụi trên xà nhà, không có mạng nhện, không có ruồi hay muỗi, không có chim đậu lại qua đêm và không khí trong nhà luôn mát mẻ, bất kể ngoài trời có nắng nóng đến đâu. Người dân vẫn tin rằng, những hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong ngôi làng đều có liên quan đến bố cục âm dương bát quái mà Lưu Bá Ôn đã sắp xếp.
Mảnh đất sản sinh người tài
Không chỉ vậy, ngôi làng này còn sinh ra nhiều tài năng cho quốc gia, được coi là một nơi "địa linh nhân kiệt" hiếm có.
Theo tài liệu làng, dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, có 293 học sĩ từ làng đã đỗ đạt cao trong các kỳ thi của triều đình. Nhiều trong số họ còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy cấp cao. Hơn nữa, nhiều con cháu của dòng họ Du đã trở thành các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và các quan lớn.
Với 800 năm lịch sử phát triển, làng Thái Cực tinh tượng Du Nguyên vẫn giữ lại nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, thu hút du khách từ khắp nơi đến thăm quan. Làng rộng 30.000m2, có tổng cộng 1.072 ngôi nhà cổ, bao gồm những ngôi nhà thờ, đền chùa, quán xá và các con đường cổ.
Nhờ sự chăm sóc và bảo vệ từ cộng đồng, nhiều tòa nhà cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ lại nét văn hóa truyền thống của dòng họ trong suốt thời gian dài. Theo các chuyên gia nghiên cứu, làng Du Nguyên hiện vẫn còn khoảng 395 tòa nhà cổ từ thời kỳ nhà Minh và nhà Thanh. Với giá trị văn hóa và tinh thần được bảo tồn, làng Du Nguyên được biết đến như là "làng cổ số 1 Trung Quốc".