Ngôi đền cổ rộng hơn 5.000m2 là nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều đại nhà Trần, nổi tiếng với 3 gò mộ có quy mô tựa như 3 quả đồi

Công trình này hiện đang được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng, thu hút đông đảo du khách tìm về chiêm bái.

Thái Bình, mảnh đất địa linh nhân kiệt dưới triều đại nhà Trần. Đặc biệt, hơn 700 năm về trước, một quần thể lăng mộ các vua Trần đã được hình thành tại nơi đây với tên gọi đền Trần Thái Bình. 

Đền Trần Thái Bình là di tích được nhiều tín đồ đam mê khám phá lịch sử tìm đến. Nơi đây sở hữu nhiều giá trị lịch sử gắn liền với sự phát triển của một triều đại vàng son.

Dấu ấn kiến trúc đậm chất Việt tại Đền Trần

Đền Trần Thái Bình tọa lạc tại địa bàn thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hơn 700 năm về trước, đây chính là nơi các vị vua của nhà Trần sinh ra và xây dựng sự nghiệp. 

Đền Trần Thái Bình tọa lạc trên một cánh đồng rộng lớn

Trải qua hơn 700 năm tồn tại, dù cho bị bom đạn chiến tranh tàn phá nhưng ngôi đền vẫn tồn tại bền vững với nhiều hiện vật quý giá. Người dân cả nước hàng năm luôn đổ về đây để thắp hương thờ tự những vị anh hùng của dân tộc.

Theo đó, ngôi đền có diện tích 5.175m2, được chia thành nhiều công trình công phu và kì công như tòa hậu cung, tòa bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hóa vàng, ba ngôi mộ các vua Trần cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo liên quan. Khi ghé thăm nơi đây bạn sẽ bị choáng ngợp bởi gần như tất cả kiến trúc đều được giữ nguyên trạng như ban đầu, mỗi viên gạch nơi đây đều có niên đại lên đến hàng trăm năm. 

Đền Trần là nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều đại nhà Trần
Đền Trần có diện tích lớn và kiến trúc đậm chất Việt

Có thể chia kiến trúc chung của đền Trần Thái Bình thành 3 cấu trúc chính gồm: đền vua thờ Thái Tổ Trần Thừa và các vua Trần. Đền Thánh thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đền Mẫu thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, hoàng hậu và công chúa triều Trần.

Cung thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn

Bố cục của các đền thường được phân chia theo trục chính, chia thành các không gian khư khu hành lễ, nội tự đền, vườn cây. Đền Trần kế thừa những nét đặc sắc nhất của kiến trúc đình làng , phát huy tính truyền thống dân tộc đậm đà.

Bên trong đền Trần mang một bầu không khí uy nghiêm

Bên cạnh đó, quần thể này có rất nhiều những công trình cổ đã thể hiện rất rõ những nét văn hóa độc đáo của đất nước Đại Việt dưới triều Trần. Điển hình như những họa tiết, điêu khắc trên những bức tường hay ngôi mộ đều có nét đặc trưng riêng biệt nhưng cùng đồng nhất với mục đích kế thừa và phát huy  truyền thống kiến trúc dân tộc – kiến trúc đình làng.  

Khu đền gồm các hạng mục: đền Vua (ở giữa), đền Thánh (ở phía Đông, bên tả đền Vua) và đền Mẫu (ở phía Tây, bên hữu đền Vua)

Công trình được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ xây có tiếng cùng những loại đá được chạm trổ tinh vi, sống động. Tất cả tạo nên một quần thể kiến trúc đồ sộ mang vẻ đẹp uy linh, trang nghiêm.

Dấu ấn đặc sắc của di tích với 3 ngôi mộ lớn

Trước mặt khu đền thờ các vua Trần có 3 gò mộ lớn được ví như 3 quả đồi nằm sừng sững uy nghi giữa cánh đồng ruộng lúa mênh mông ở làng Tam Đường. 3 gò mộ được gọi là phần Bụt, phần Trung và phần Đa, đây là công trình đồ sộ gây choáng ngợp được tạo ra dưới triều đại nhà Trần.

Những ngôi mộ ở Đền Trần Thái Bình sẽ khiến các tín đồ du lịch bất ngờ bởi mức độ rộng lớn

Nhiều thông tin cho rằng đó là nơi an nghỉ cuối cùng của 3 vị vua của triều Trần chính là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, tuy nhiên cho đến nay từng vị trí ngôi mộ là của ai vẫn chưa có đáp án. Đặc biệt, trong đó có gò mộ là một trong những mộ cổ lớn nhất ở Việt Nam từng được đông đảo tín đồ du lịch tâm linh tìm đến khám phá.

Một phần mộ to như quả đồi ở cánh đồng trước đền Trần

Đường kính của mộ lên đến 65m và cao 1,2m so với sân tế. Ngôi mộ ở giữa đặc biệt hơn với đường kính 55m chiều cao từ sân tế đến đỉnh mộ 7m, giữa mộ đặt chữ Trần bằng Hán tự trong một khung sắt hình chữ nhật. Cả ba ngôi mộ này đã được tôn tạo vào năm 2004.

Ngôi mộ nhìn từ trên cao

Ngoài ra, hàng năm tại đền Trần Thái Bình sẽ diễn ra lễ hội long trọng kéo dài từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch. Phần chính và quan trọng nhất của lễ hội chính là lễ khai ấn, cùng với đó chính là phần hội, tái hiện rất nhiều trò chơi dân gian tiêu biểu dưới thời nhà Trần như rước kiệu, thi cỗ cá, dấu võ, thả diều….và để phát huy và giữ gìn những giá trị văn hóa lâu đời thì năm 2014 Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia” thu hút đông đảo du khách trên khắp cả nước tìm về chiêm bái.

Lễ hội đền Trần Thái Bình có tổ chức nhiều hoạt động rước lễ, vui chơi thú vị

Để xây dựng được một quần thể như ngày hôm nay, đền Trần Thái Bình không chỉ là một địa điểm du lịch tâm linh thông thường, mà nó còn là chứng nhân lịch sử, là giá trị văn hóa lâu đời mà chúng ta cần phải bảo vệ và giữ gìn mãi về sau.