Nằm trầm mặc giữa hồ Trúc Bạch trên đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), với cây cối bao phủ, ít ai biết rằng, nơi đây chính là đền Thủy Trung Tiên (dân gian gọi là Cẩu Nhi) với với tuổi đời lên đến 1.000 năm, mang đậm kiến trúc văn hóa tâm linh cổ không phải nơi nào cũng có.
Sự tích đền Thủy Trung Tiên
Đền Thủy Trung Tiên nằm cách đường Thanh Niên khoảng 30m với khuôn viên đẹp, xung quanh được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ với một cây cầu bằng đá xanh chạm nổi rồng phượng hình vòng cung nối từ đường Thanh Niên vào cổng tam quan.
Sự tích xưa kể rằng, ngôi đền gắn với truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian liên quan đến sự kiện vua Lý Thái Tổ (974 - 1028) lên ngôi và dời đô về Thăng Long. Theo một số sách thì trước khi Lý Công Uẩn lên làm vua, có con chó ở châu Cổ Pháp, (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đẻ ra con sắc trắng có đốm đen thành hai chữ “thiên tử” ứng với việc này (vì vua Lý tuổi Tuất). Từ đó, được Vua cho dựng miếu thờ sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch và tồn tại đến ngày nay.
Trước đó, ngôi đền này được gọi với tên đền Cẩu Nhi, đã phải trải qua nhiều thăng trầm khi còn là phế tích. Vào năm 1980, đền bị dỡ bỏ để làm sân chơi, nhà kho cho hợp tác xã. Sau một khoảng thời gian, đền Cẩu Nhi tiếp tục được dựng thành các quán giải khát hoặc nơi cho các đôi cưới tập thể vào cuối tuần.
Tuy nhiên, trong phương đình có văn bia bằng đá giải thích vì sao có đền thờ và đền thờ này do ai lập nên. Dù có nhiều tranh cãi từ các chuyên gia sử học, nhưng cuối cùng dự án khôi phục đền cũng được phê duyệt. Sau 2 năm phục dựng, ngôi đền đã chính thức khánh thành vào ngày 20/08/2017 với tên là đền Thủy Trung Tiên.
Ngày nay, đền Thủy Trung Tiên vẫn nằm trên Hồ Trúc Bạch thuộc làng Ngũ Xá cũ. Dù không còn cái tên Cẩu Nhi “chính danh”, nhưng ngôi đền vẫn lưu giữ văn hóa tâm linh thờ Thần Chó của người Việt. Trong quan niệm của người Việt, tục thờ chó đá có từ thời xa xưa và đến nay vẫn còn lưu truyền những câu chuyện dân gian thú vị. Thông thường, người Việt chôn chó đá trước cổng nhà, đền miếu như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà.
Lối kiến trúc độc đáo
Kể từ khi được đầu tư phục dựng, ngôi đền đã trở nên khang trang và mới mẻ hơn. Vẻ đẹp kiến trúc của ngôi đền từ chi tiết đến tổng thể đều sở hữu nét đặc trưng rất riêng biệt. Ngôi đền nằm thơ mộng tại một đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch, xung quanh có nhiều tán cây cổ thụ xanh mướt và trong lành.
Tới đây, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh đôi chó đá ngay trên đầu cầu bắc qua Hồ Trúc Bạch. Cây cầu này được chạm nổi rồng phượng hình vòng cung, dài 18m gồm 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m. Từ đường Thanh Niên, bạn đi qua cây cầu đá này sẽ đến được cổng Tam Quan làm bằng gỗ vững chắc và phía trên lợp bằng ngói vảy cá.
Các mảng kiến trúc trong đền được phục dựng theo phong cách thời Lý. Đặc biệt có nhiều phù điêu và tượng liên quan đến “thần chó”.
Đặc biệt, dấu ấn lịch sử còn sót lại là tấm bia đá xung quanh chạm nổi hình cánh sen khắc 4 chữ “Di tích Cẩu Nhi”. Trải qua thời gian, những chữ khắc trên bia đá nay đã mờ đi nhiều. Hiện nay, tấm bia được quấn bằng lớp vải đỏ, bao bọc xung quanh càng khiến cho câu chuyện về Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi càng trở nên ly kỳ và thú vị.
Đền Thủy Trung Tiên nằm trong quần thể di tích đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc. Theo quan niệm tâm linh của người Việt, chó như một linh vật với ý nghĩa sẽ mang lại may mắn. Do đó, ngôi đền thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và cầu phúc lành vào những ngày Rằm, mùng một hay lễ Tết.