Ngôi chùa Việt Nam lọt top 10 công trình Phật giáo đẹp nhất thế giới, chứa toà bảo tháp cao 70m, rộng trên 2.000m²

Đây được xem là công trình Phật giáo kết hợp hài hòa giữa văn hóa Thái Lan cùng tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn.

Dù không phải là thành phố du lịch nhưng xét về độ thu hút khách phương xa tìm đến thì TP. Hồ Chí Minh không hề thua kém bất cứ thành phố nào. Khi đến nơi đây, nhiều người, đặc biệt là du khách hành hương khó lòng mà bỏ qua cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng ngôi chùa Bửu Long.

Chùa Bửu Long nằm trên một ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai có địa chỉ số 81 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Năm 2019, chùa Bửu Long vinh dự được xướng tên trong danh sách 10 công trình Phật giáo đẹp nhất thế giới do tạp chí đình đám National Geographic của Mỹ bình chọn.

Chùa Bửu Long có tên chính thức là thiền viện Tổ Đình Bửu Long. Được thành lập năm 1942, đến năm 2007, chùa Bửu Long được đầu tư xây dựng và trùng tu, mở rộng thêm. Kiến trúc Chùa Bửu Long được xây dựng theo truyền thống văn hóa phương Nam, xuất phát từ văn hóa cổ Phù Nam (Suvannabhũmi) nay là vùng Đông Nam Á, ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Thái Lan, Ấn Độ cùng tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn.

Đặt chân tới chùa Bửu Long, ấn tượng đầu tiên chính là lối vào chùa rợp bóng bởi nhiều cây cối. Phía trước chùa là một hồ nước màu xanh ngọc bích kết hợp với đài phun nước tạo cảm giác lung linh huyền ảo. Cảnh vật kết hợp hài hòa với nhau, tô điểm cho vẻ đẹp của ngôi chùa và làm nổi bật thiết kế rực rỡ của kiến trúc chùa.

Điểm nhấn của chùa là ngôi bảo tháp có tên gọi Gotama Cetiya, được thi công xây dựng từ năm 2007, hoàn thành sau 6 năm. Bảo tháp Gotama Cetiya là nơi thờ xá lợi Phật và các Chư Thánh Tăng. Bảo tháp rộng trên 2.000 m², cao 70 m, được xây dựng theo nét của văn hóa Phù Nam. Xung quanh là các tháp nhỏ, đều làm bằng đồng, có màu vàng óng. Gotama Cetiya là ngôi bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam với 5 tháp lớn nhỏ, tháp chính điện ở trung tâm cao và lớn nhất với 7 tầng. Tầng trệt và tầng 2 là hội trường, tầng 3 và 4 là hai thiền đường, tầng 5 là tháp tôn trí xá lợi Phật và chư vị thánh tăng.

Bảo tháp Gotama Cetiya được thiết kế gam màu trắng chủ đạo, kết hợp với chóp vàng rực rỡ. Cách kết hợp màu sắc hài hoà giúp làm bật phần chóp hơi hướng Thái Lan của bảo tháp. Trên đỉnh tháp được gắn chuông gió ngân vang. Bên cạnh đó là kiến trúc chạm trổ tinh tế, tất cả góp phần tạo vẻ nguy nga, tráng lệ cho công trình kiến trúc đặc biệt này. Đây cũng là công trình được mệnh danh bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam. 

Kiến trúc chùa Bảo Long được sư thầy Viên Minh đưa ý tưởng thiết kế theo lối Phật giáo nguyên thủy có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ. Đây là nét kiến trúc chùa chiền đặc biệt phổ biến ở Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Việt Nam. Do đó, chùa Bửu Long còn được gọi là chùa Thái Lan. Song, khi vãn cảnh chùa, du khách có thể cảm nhận rõ màu sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong các họa tiết chạm trổ công phu và những bức tượng rồng uy nghi.

Là một địa điểm du lịch tâm linh ở Sài Gòn, Chùa Bửu Long còn được biết đến là “ngôi chùa không khói”. Du khách tới chùa chỉ chiêm bái, cầu nguyện chứ không thắp hương trong chùa. Du khách thập phương có thể lên lầu cao và nhìn ngắm toàn cảnh chùa, nhưng phải tuân thủ quy định ăn mặc kín đáo, không mặc quần đùi và váy ngắn.

Bên cạnh là chốn hành hương được nhiều người thăm viếng, chùa Bửu Long còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện đóng góp tích cực cho xã hội. Đặc biệt, để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, Chùa Bửu Long có một ban công tác từ thiện, một chi hội Chữ Thập Đỏ và một Phòng Khám Y Tế. Tại phòng khám này, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được khám và phát thuốc miễn phí vào mỗi thứ 7 hàng tuần.

Chùa Bửu Long tổ chức nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ những người khó khăn

TIN LIÊN QUAN