Chùa Giám có tên chữ là Nghiêm Quang tự thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa Giám là nơi thờ, tưởng niệm vị Thánh thuốc Nam - Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Chùa được xây dựng từ thời Lý và được Tuệ Tĩnh trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ 14. Đến cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu "nội công, ngoại quốc".
Ngôi chùa có kiến trúc với đầy đủ các công trình như: tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà khách, nhà tăng, vườn cây, pháp sư, nghè Giám. Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa.
Chùa Giám là nơi gắn với cuộc đời Tuệ Tĩnh từ khi ông còn nhỏ. Theo tư liệu lịch sử, Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, được sư thầy Hải Triều ở chùa Giám nuôi và cho đi học. Thời niên thiếu và những kiến thức đầu đời về y học của ông đã được nuôi dưỡng, gắn bó với ngôi chùa này.
Điểm nhấn đặc sắc nhất của chùa Giám hiện nay là Bảo vật quốc gia độc đáo, chỉ có ở Việt Nam – tòa Cửu phẩm liên hoa. Tòa Cửu phẩm liên hoa được đặt ở chính giữa nhà cửu phẩm. Nhà Cửu phẩm hình vuông 4 mặt giống nhau, cao 3 tầng, 12 mái. Kiến trúc chính của nhà Cửu phẩm là 4 cột tứ trụ và 12 cột quân cùng hệ thống xà kẻ góc hầu hết bằng gỗ lim, tất cả các chi tiết đều được kiến tạo hết sức mềm mại đặc trưng của kiến trúc thời Hậu Lê. Mái tạo dáng 12 đầu đao cong, lợp ngói mũi, trên chóp có phù điêu hình nậm rượu.
Trên Cửu phẩm tổng cộng có 144 pho tượng Phật. Trước đây, mỗi cạnh của một tầng Cửu phẩm có 3 pho tượng Phật cao chừng 20cm được sơn son thếp vàng nhưng do di chuyển và thất thoát, các pho tượng cũ gần như không còn, thay vào đó là các tượng Phật bằng đất nung mới. Toàn bộ kết cấu Cửu phẩm liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi để quay tròn. Năm 2016, tòa Cửu phẩm liên hoa của chùa Giám được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Chùa Giám được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1974, đến năm 2017 được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.