Ngôi chùa cổ tồn tại xuyên 3 thế kỷ trên “đất Phật”, tổ điện đặt tượng Phật A Di Đà bằng đất sét thếp vàng hơn trăm năm tuổi

Chùa được xây dựng từ thế kỷ 19, vẫn còn giữ được nét cổ kính, khang trang cho đến ngày nay.

Chùa Phước Hưng hay Phước Hưng Cổ Tự hiện tọa lạc tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Công trình được một nhóm người Hoa xây dựng vào năm 1838, đến nay đã hơn 180 năm. Mang dáng dấp của các công trình kiến trúc Hoa, nơi đây là địa chỉ thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp lễ, Tết.

Sa Đéc hiền hòa với cây lành trái ngọt, với hoa kiểng cổ truyền thanh lịch. Nhưng Sa Đéc còn nổi tiếng bởi nhân gian truyền tụng câu : “Sa Đéc là đất Phật”. Du lịch Sa Đéc, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và sùng kính trước hơn 50 ngôi chùa lớn nhỏ nằm rải rác khắp địa bàn thành phố.

Cổng vào chùa

Phước Hưng Cổ Tự đã có mặt tại Sa Đéc từ thời khai hoang lập ấp của tiền nhân. Chùa đã qua sáu đời trụ trì. Hòa thượng Minh Phước cho mở rộng Đông lang, Tây lang năm 1854. Hòa thượng Như Diệu cho trùng tu ngôi chánh điện năm 1882. Hòa thượng Vạn Hiển đã cho in kinh Kim Cang, Phổ Môn, Địa Tạng… bằng chữ Hán khắc gỗ năm 1919. Hòa thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra tận Hà Nội thỉnh chiếc mõ lớn nặng khoảng 15kg. Hòa thượng Vĩnh Đạt trụ trì từ năm 1962 đã tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa, như xây lại Tây lang, xây đài Quan Âm, cổng tam quan… Hòa thượng đã được cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp 2 nhiệm kỳ 1981 – 1984 và 1984 – 1987. Thượng tọa Thích Thiện Huệ kế tục trụ trì từ năm 1987 tiếp tục công cuộc trùng tu ngôi chùa, tái tạo Đông lang, xây dựng hội trường Trường cơ bản Phật học Đồng Tháp….

Chùa được thiết kế theo hình chữ Sơn, đây là truyền thống kiến trúc chùa của người Trung Hoa lẫn Việt Nam từ lâu đời. Chùa có tất cả 8 mái, theo cấu trúc 2 cấp. Phía trên đều lợp ngói âm dương truyền thống như những ngôi chùa thuở xưa. Xung quanh có hình đắp nổi, cỏ cây hoa lá chim muông đủ loại, lại thêm tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng theo kiểu Trung quốc. Tất cả đều kết hợp hài hoà giữa sắc màu, vật liệu xây dựng, trong đạo có đời, trong âm có dương, như ánh trăng ảo huyền lung linh diễm lệ.

Chùa được thiết kế theo hình chữ Sơn
Chùa có tất cả 8 mái, theo cấu trúc 2 cấp

Qua cửa Đông Lang để vào chính điện du khách sẽ gặp hai câu đối nghe như âm vang chí nguyện của người xưa. Bên trong Đông Lang là phòng tiếp đón khách thập phương, kế đến là tổ điện gồm 05 gian bố trí 3 đường để chư tăng thọ trai mỗi ngày. Giữa tổ điện phía trong trai đường là bàn thờ chư liệt vị tổ sư và các vị trụ trì. Những di ảnh, linh vị đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son, thếp vàng chạm trổ hoa văn rất sắc sảo.

Họa tiết trang trí tinh xảo đẹp mắt
Bên trong tổ điện

Trước tổ điện treo một bức hoành phi được làm rất công phu, giữa là 3 chữ Bát Nhã Đường nổi bật trên nền mai, lan, trúc, bướm, quạt, cuốn thư, giấy bút… Phía trái của chánh điện là Tây Lang vừa để tiếp tăng khách và cũng là nơi lưu giữ các sách kinh.

Cách thức thờ phượng của chùa theo lối cổ, tôn nghiêm gồm hai bộ Tam Thánh Tây Phương cực lạc (Phật A Di Đà và Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí), đặc biệt có một pho tượng A Di Đà bằng đất sét thếp vàng có niên đại hơn trăm năm, không nung nhưng vẫn chắc chắn tới nay.

Trong số các pháp khí có giá trị phải nói đến chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư tuyệt đẹp và một chiếc mõ khác nặng khoảng 15kg được Hòa Thượng Vĩnh Tràng phát nguyện ra tận Hà Nội thỉnh về. Khi đi cũng như lúc về, Ngài đều đi bộ, đội mõ trên đầu, mỗi bước chân là một tiếng A Di Đà Phật.

Chiếc mõ tụng kinh chạm hình song ngư

Đặc biệt nhất là những bản gỗ khắc chữ để in những Kinh, Luật của thời Hòa thượng Vạn Hiển (tiền nhiệm Trụ trì đời thứ 3). Hòa thượng đã cho xuất bản các Kinh, Luật như: Kim Cang, Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn), Địa Tạng trọn bộ, A Di Đà, Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Lược, Sa Di Luật Giải . . . Hiện nay, ở Phước Hưng còn bảo quản một bản kinh Kim Cang. Gần một thế kỷ mà nét vẫn đẹp, sắc rõ, giấy vẫn khá trắng và bền. Các bản gỗ còn nguyên vẹn do làm bằng loại gỗ tốt.

Bên ngoài khuôn viên chùa là khoảng sân rộng được bày trí, dựng các tiểu cảnh thiên nhiên, tạo không gian thoáng đãng thanh bình. Khách vừa đến đây đã cảm thấy trút được ngay bao những lo toan, ưu phiền. Hằng năm cứ vào ngày 19 tháng 7 âm lịch, chùa lại tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ hòa thượng Thích Minh Phước, vị sư trụ trì đầu tiên của chùa.

Nếu có dịp du lịch Đồng Tháp, Chùa Phước Hưng là một điểm tham quan, vãn cảnh có thể tìm để xua tan đi mọi mệt mỏi và khám phá những nét đẹp về kiến trúc văn hóa, truyền thống nơi đây.

TIN LIÊN QUAN