Ngôi chùa cổ tồn tại hơn 6 thế kỷ, "treo mình" trên đỉnh núi Vô Vi ở ngoại thành Hà Nội

Nơi đây là chốn dành cho những ai muốn tìm về không gian thanh tịnh, yên bình để được hòa mình vào đất trời và tan trong tiếng chuông chùa.

“Treo” mình trên đỉnh núi Vô Vi nằm trong dãy núi Trầm (Tử Trầm Sơn, thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ngôi chùa Vô Vi ngự trên đỉnh núi ấy đã tồn tại suốt 6 thế kỷ qua, như một chứng tích của thời gian và lịch sử.

Cổng chùa Vô Vi.

Ngọn núi đá Vô Vi nhỏ, nằm tách biệt khỏi dãy Tử Trầm - còn được người dân trong vùng quen gọi là núi Con Rồng. Còn chùa Vô Vi được người dân ví như viên ngọc quý, nằm chênh vênh giữa trời đất.

Ngôi chùa nằm chênh vênh trên núi.

Tương truyền ngôi chùa ở Hà Nội này được xây từ thế kỷ thứ 10, khi một thủ lĩnh trong 12 sứ quân lên đây dựng chùa ở ẩn. Theo lời kể của người dân, thời Tiền Lê, chùa được xây dựng ở chân núi, có tên là Phúc Trù tự. Đến thời Trần, chùa đổi tên thành Trai Tinh tự. Đến thời Hậu Lê lấy tên là Vô Vi tự cho đến bây giờ. Cái tên chùa - Vô Vi cũng là đạo Vô Vi của Lão Tử, khuyên con người ta đem cái tự nhiên ra mà giúp đời, thuận theo tự nhiên.

Có lẽ vì nằm cheo leo trên đỉnh núi, mặt bằng nhỏ hẹp nên từ lối đi, cửa vào cho tới các pho tượng đều có kích thước nhỏ hơn thông thường. Trên cổng vòm có đề ba chữ Hán "Vô Vi tự", con đường nhỏ với những bậc thang xếp bằng đá tảng đưa du khách đến tiền đường, nhà mẫu, rồi chính điện. Chỉ khoảng vài trăm bậc nhưng lối lên Vô Vi tự không quá dễ dàng, càng lên cao càng hẹp và dốc hơn.

Không giống những ngôi chùa quy mô hoành tráng thường thấy, Vô Vi tự rộng chừng hơn 10m2, thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ Đinh hay Nội công ngoại quốc..., mà chỉ khiêm tốn với một gian duy nhất, mái lợp ngói mũi hài cùng các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản. Trong chùa chỉ có ban Tam bảo với tượng Phật, tượng thánh. Hai bên là hai vị Hộ pháp uy nghiêm. 

Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ được thiết kế mái cong, gạch ngói, nhiều cột trụ, giống như một nơi thiền tịnh của các vị sư.

Lối kiến trúc cổ xưa của ngôi chùa vẫn được giữ nguyên.

Sát bên hông chùa là lối đi nhỏ chỉ vừa một người qua, dẫn tới lầu Nghênh Phong. Từ trên nhìn xuống, các lớp mái khéo léo xen kẽ nhau như sợi dây liên kết giữa chùa Vô Vi và lầu gác này bao thế kỷ qua. Đúng như tên gọi, lầu Nghênh Phong - nơi đón gió từ bốn phương tám hướng, là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Xung quanh lầu, cây cối um tùm, mát mẻ. Thảng hoặc đâu đó, tiếng chim lảnh lót ngân nga trong không gian tĩnh mịch, khiến người ta cảm nhận rõ sự giao hòa giữa trời đất và lòng người.

Du khách tham quan chùa Vô Vi.

Điểm đặc biệt của lầu Nghênh Phong là trên chóp mái có hình tượng âm dương Lạc Việt bên trong vòng bát quái. Hình tượng này được vẽ trên hai nửa viên gạch hồng ghép lại để từ điểm trung tâm này, các xà, cột, kèo theo đó tỏa xuống theo quy luật kiến trúc nghiêm khắc. Hình tượng âm dương Lạc Việt là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Việt, một họa tiết nhỏ nhưng đủ sức khẳng định về tính dân tộc, sự độc lập của văn hóa Việt, không thể trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa khác.

Lầu Nghênh Phong trên đỉnh.

Từ lầu Nghênh Phong, muốn lên tới đỉnh cao nhất của ngọn núi Vô Vi, du khách phải leo khoảng hai chục bậc đá dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để lên tới đỉnh. Bù lại cho sự vất vả ấy là cả một khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt trải rộng. Xung quanh núi Vô Vi là khung cảnh làng quê yên bình.

Bức tranh làng quê yên bình dưới chân núi Vô Vi.

Có thể nói, chùa Vô Vi là chốn dành cho những người muốn tìm về không gian thanh tịnh, yên bình để được hòa mình vào đất trời và tan trong tiếng chuông chùa nơi núi rừng.