Nằm cách thành phố khoảng 60km về phía tây bắc là một quần thể dãy núi đá vôi hùng vĩ có từ hàng vạn năm trước tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được người dân địa phương đặt tên là lèn Vũ Kỳ. Trước đây lèn có 9 ngọn núi, kéo dài hơn 1km, nhưng do bị khai thác lấy đá nên dãy núi này chỉ còn 4.
Lèn Vũ Kỳ từng có rất nhiều hang động, trong đó nổi bật nhất là động đá ở đỉnh núi phía đông. Động này tuy không phải là lớn nhất nhưng có hình dáng như giọt nước (hoặc búp sen) vô cùng ấn tượng, lại khô ráo, sạch sẽ, cùng nhiều ngõ ngách bí ẩn, linh thiêng.
Vào thế kỷ 15, hang động này đã được những Phật tử trong vùng chọn làm nơi để tụng kinh niệm Phật. Từ đó mà hình thành nên một ngôi chùa hoàn toàn không do bàn tay con người kiến thiết, được gọi là chùa Thiên Tạo.
Ẩn sau những phiến đá khổng lồ che khuất cả lối vào, chùa Thiên Tạo là một động đá cao hơn 20m rộng chừng 15m, hình thế tròn trịa, trần hang vuốt nhọn lên cao tít, dưới nền lại bằng phẳng, rất khô ráo sạch sẽ.
Ở chính giữa có điện Tam Bảo, bên trái hang Thiên, bên phải là hang Tiên Nữ. Mỗi hang nhỏ bên trong chùa lại có những câu chuyện khác nhau. Bề mặt hang Tam Bảo và hang Thiên có nhiều vết lõm xuống như dấu bàn chân. Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, đây chính là dấu chân của Đức Phật.
Các ban thờ đều tạo thành từ những hốc đá được thiên nhiên khéo léo tạo hình như những búp sen tuyệt đẹp, xung quanh trang trí bởi các vân đá, nhũ đá vô cùng kỳ thú, bởi thế mà chẳng cần đến bàn tay con người phải vẽ vời thêm.
Cửa hang nằm ở hướng đông, đối diện ở hướng Tây là hốc đá lớn nhất tạo nên ban thờ chủ của chùa, chính là hướng linh thiêng nhất theo đạo Phật. Hai bên cánh lại có hai hốc đá khác cũng hình cánh sen nhưng nhỏ hơn, nằm cân xứng theo trục Bắc-Nam, là các ban thờ phụ.
Không khí trong hang vừa thanh u tĩnh mịch lại rất ôn hòa: mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm, lại khô thoáng dễ chịu chứ không hề ẩm thấp, chính là nơi lý tưởng để tĩnh tâm tu học.
Theo những người trông coi thì thời điểm trước chiến tranh, trong chùa vẫn còn tượng Phật và nhiều đồ tế khí cổ. Chiến tranh chống Mỹ nổ ra, do có địa thế hiểm trở và kín đáo nên chùa trở thành kho chứa lương thực và vũ khí của các đơn vị quân đội trong vùng. Theo sử sách ghi lại, lèn Vũ Kỳ nhiều lần còn là nơi được các cán bộ chiến sĩ chọn để họp chi bộ và bàn kế hoạch chống giặc ngoại xâm.
Hết chiến tranh lại đến mấy chục năm “cải cách”, ngôi chùa bị bỏ hoang hoặc được dùng vào những mục đích khác, dấu tích xưa gần như đã biến mất hoàn toàn. Tượng Phật, cổ vật, đồ tế khí và nhiều thắng tích thiên nhiên cũng bị phá hủy và thất lạc trong quãng thời gian này.
Cổ vật duy nhất còn sót lại là cái bát hương bằng đá mà theo ông Tống Hữu Thuyên - người trông coi - thì đã có từ hơn 400 năm trước, một người dân trong làng mang về nhà cất giữ và mới được trả lại cho chùa.
Tháng 8/2017, nhờ sự đóng góp của người dân và các Phật tử trong vùng, chùa Thiên Tạo được sửa sang, tôn tạo lại. Các bức tượng phật, ban thờ, hệ thống điện, cũng như những đồ dùng trong chùa hiện nay đều do người dân đóng góp mà có.
Chùa Thiên Tạo hồi sinh đã nhanh chóng lấy lại danh tiếng của mình. Phật tử trong vùng cứ mỗi ngày rằm và mồng một hàng tháng lại đều đặn lên chùa để tụng kinh niệm Phật. Họ cũng đã cử ra một Ban quản sự để trông coi và quản lý công việc của chùa.