Xuôi theo quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng khoảng 40km là đến làng Nôm, thuộc địa phận xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là ngôi làng cổ duy nhất còn sót lại của Phố Hiến với quần thể di tích lịch sử, văn hóa độc đáo vẫn còn giữ nguyên những nét cổ kính của làng quê Việt Nam.
Trước đây, người dân trong làng có nghề buôn đồng nát. Bà con ở đây đi mua đồng nát về bán lại cho các lò đúc đồng ở địa phương và các vùng lân cận. Nhờ chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong làm ăn buôn bán, nên làng Nôm nhờ đó mà ngày càng hưng thịnh, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển.
Quần thể di tích làng Nôm bao gồm cổng làng, cầu Nôm, đình, chùa Nôm, chợ Nôm… quần tụ với nhau như một bảo tàng sống động về nông thôn Việt Nam giữa khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Khi đến đây, làng Nôm đón chào những vị khách gần xa bằng chiếc cổng làng cổ kính rêu phong. Các cụ cao niên cho biết, cổng làng có tuổi đời lên đến hơn 200 năm, do sự tàn phá của chiến tranh nên giờ đây cổng làng đã bị xuống cấp nhưng vẫn giữ được nhiều họa tiết tinh xảo, vòm cổng có dòng chữ: Đồng Cầu Nôm.
Qua cổng làng uy nghi là con đường lát gạch đỏ, chạy dài từ đầu cổng làng đến tận cây đa, giếng nước, sân đình. Giữa làng là một chiếc ao lớn, nước trong ao lúc nào cũng trong xanh, tĩnh lặng, tôn vẻ đẹp của làng Nôm mộc mạc, yên bình điển hình của làng quê Bắc Bộ.
Trung tâm làng Nôm với một quần thể di tích bao gồm đình làng Nôm (hay còn gọi là đình Tam Giang), cây đa, giếng nước, hệ thống các nhà thờ họ Nguyễn, Trần, Lê… cổ kính và uy nghi, quần tụ chung quanh hai bên ao làng. Những ngôi nhà này được xây dựng theo kiến trúc nhà năm gian truyền thống với vườn tược, sân nhà, nhà chính, nhà phụ, khu bếp, hàng rào bao quanh.
Làng Nôm còn một di sản hiếm có từ quá khứ để lại, đó là chiếc cầu đá bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức. Mặt cầu rộng gần 2m, ghép lại bằng những tấm đá nguyên khối, 9 nhịp đầu rồng được chạm khắc rất tinh xảo. Đây là cây cầu độc đáo và hiếm thấy còn tồn tại nguyên vẹn sau hơn 200 năm.
Bước qua 9 nhịp cầu đá là con đường dẫn vào chợ Nôm. Hiện không còn cảnh chợ như xưa nhưng mái ngói âm dương, gian chợ dưới bức tường gạch đỏ siêu vẹo vẫn khiến những người dân nơi đây và khách thập phương ngỡ như đang được đi ngược trở về chợ xưa.
Chợ Nôm họp 12 phiên trong một tháng vào các ngày có số cuối là 1,4,6 và 9. Ngày xưa chợ Nôm là một trong những nơi điều tiết nhịp sống của cả làng với nghề đồng nổi tiếng. Khác với chợ ở thành phố, chợ Nôm họp bên trong những gian nhà xây gạch không trát vữa. Màu gạch đỏ au, lở vỡ theo thời gian như một nét gì đó rất hoài cổ, xưa cũ.
Đặc biệt, làng còn có ngôi chùa Nôm đầy linh thiêng với lối kiến trúc mang đậm nét truyền thống. Theo truyền thuyết xưa, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh Thông cổ tự.
Chùa có các công trình như tam quan, gác chuông, gác trống, tam bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ và sân chùa rộng mênh mông. Chùa Nôm còn là nơi lưu giữ hơn 100 bức tượng cổ bằng đất nung. Trải qua bao thời kỳ bể dâu của lịch sử cùng sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng những pho tượng này vẫn trường tồn cùng thời gian và giữ nguyên vẻ đẹp ban đầu.
Di vật tiêu biểu tại chùa và đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như tượng phật, cây hương đá, tháp đá, chuông đồng, nhang án gỗ, câu đối, đại tự, sắp phong, thần tích, sập thờ, ngai thờ, kiệu… Trải qua bao thời kỳ của lịch sử, những trận lũ lụt lớn và kéo dài nhưng điều kỳ diệu là những pho tượng này vẫn trường tồn cùng thời gian và giữ nguyên vẻ đẹp ban đầu.
Với những giá trị trên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL, ngày 7/1/2020, xếp hạng Quần thể di tích làng Nôm là Di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.
Về làng Nôm, du khách được dạo bước trên con đường lát gạch đỏ, đi dưới bóng mát của những tán nhãn lồng cổ thụ, thoảng hương hoa bưởi, được ngắm quần thể di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đáng trân trọng nhất ở làng Nôm là nếp sống thôn quê, mộc mạc và chân thành vẫn được duy trì gần như nguyên vẹn.