Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã cacbon thấp

(CL&CS) - “Nghiên cứu xây dựng, thử nghiệm mô hình cộng đồng làng xã cacbon thấp, chống chịu cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ” do GS.TS Nguyễn Văn Nội thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN chủ trì.

Cụ thể, mục tiêu của đề tài xây dựng cơ sở khoa học của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ; xây dựng bộ tiêu chí của mô hình; xây dựng 02 mô hình trình diễn và đánh giá hiệu quả các mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao ở các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất giải pháp và phương pháp nhân rộng các mô hình trình diễn cho các vùng tương tự trên toàn quốc.

Mô hình nghiên cứu thực nghiệm.

Đề tài đã nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn, từ đó xây dựng bộ tiêu chí của mô hình cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH cho các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Bộ tiêu bao gồm 3 nguồn vốn, 15 tiêu chí và 49 chỉ số.

Nguồn vốn tự nhiên bao gồm tiêu chí sử dụng đất và 10 chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, phân chia thành 2 bảng theo 2 nhóm xã nông thôn ven biển và nông thôn nông nghiệp.

Nguồn vốn xã hội gồm 8 tiêu chí và 21 chỉ số (thu nhập, tỷ lệ người nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm; giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường & năng lượng, chính sách phòng chống thiên tai).

Nguồn vốn cơ sở hạ tầng gồm 6 tiêu chí và 18 chỉ số (giao thông, thủy lợi, nhà ở, điện, cơ sở vật chất cộng đồng sử dụng trong công tác phòng chống thiên tai; hệ thống thông tin liên lạc). Ngoài ra các thành phần và hàm lượng phát thải cacbon đã được làm rõ và tính toán.

Hai sản phẩm của đề tài là mô hình trình diễn, bao gồm tổ hợp các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng chống chịu BĐKH đã được triển khai thực hiện tại 2 xã thí điểm Lam Điền và Hải Đông. Các mô hình này là công cụ trực quan, nhằm giúp người dân địa phương hiểu rõ và cụ thể hơn về cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH.

Trên cơ sở phân tích những thách thức và tiềm năng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sức chống chịu BĐKH ở khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ cũng như các điều kiện đặc trưng tại các địa phương thí điểm, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn các giải pháp khoa học công nghệ và quản lý phù hợp để áp dụng trong 2 mô hình này để đáp ứng được đồng thời cả 3 mục tiêu: phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển môi trường bền vững, giảm phát thải cacbon và chống chịu với BĐKH.

Trên cơ sở các mô hình thí điểm và bộ tiêu chí về cộng đồng cacbon thấp, chống chịu cao với BĐKH, đề tài tiến hành đánh giá toàn diện tác động của các mô hình tới sự phát triển sinh kế, kinh tế - xã hội - môi trường bền vững của địa phương, đánh giá hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sức chống chịu của cộng đồng. Sự phù hợp của từng mô hình với các điều kiện đặc thù của địa phương cũng được phân tích, đánh giá, từ đó đề xuất các phương án nhân rộng mô hình.

TIN LIÊN QUAN